Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; tạo việc làm; xây dựng nông thôn mới; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

30/10/2023
(VBSP News) Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chỉ thị nêu rõ, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, “không để ai bỏ lại phía sau”, trong thời gian tới cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
nsvs

Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện qua NHCSXH đã góp phần thực hiện 09/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Chính sách ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.
Tín dụng chính sách xã hội là một trong những công cụ, giải pháp của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Theo đó, tín dụng chính sách xã hội đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo tạo thói quen tích lũy, hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi giúp họ vượt qua khó khăn, từng bước tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng, nâng cao ý thức, trách nhiệm sử dụng vốn, tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo nguồn tích lũy để trả nợ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ khu vực nông thôn, vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Ngoài ra, tín dụng chính sách xã hội góp phần khai thác tiềm năng đất đai, lao động và tài nguyên thiên nhiên; tạo điều kiện phát triển các ngành, nghề truyền thống, ngành, nghề mới, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động nghèo ở nông thôn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng trong cả nước.
Cùng với các chính sách tổng thể thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện là một cấu phần quan trọng góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển và đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014, của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp các địa phương đã chú trọng, quan tâm cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Với phương thức hoạt động đặc thù, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam, đến nay NHCSXH đã tập trung nguồn lực cho vay được gần 42,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt gần 830.087 tỷ đồng. Năm 2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 283.348 tỷ đồng với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt 101 nghìn tỷ đồng, chiếm 36%/tổng dư nợ, với trên 2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là hộ dân tộc thiểu số là 70 nghìn tỷ đồng, với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 25%/tổng dư nợ; dư nợ bình quân 49 triệu đồng/1 hộ dân tộc thiểu số. Dư nợ cho vay tại khu vực nông thôn góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 255 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đạt 123 nghìn tỷ đồng, chiếm 43% tổng dư nợ, với hơn 2,9 triệu hộ đang còn dư nợ. Đặc biệt, dư nợ cho vay tại các huyện nghèo đạt gần 31 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ, với hơn 593 nghìn hộ đang còn dư nợ.
Trong hai năm 2021 - 2022, tổng doanh số cho vay đạt 184.316 tỷ đồng với trên 4,4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; qua đó góp phần giúp gần 160 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 1,5 triệu lao động, trên 107 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, giúp mua gần 86 nghìn máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; xây dựng trên 2,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; trên 20 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; gần 2 nghìn người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động…
Những kết quả trên đã góp phần quan trọng tạo sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%, góp phần thiết thực vào những thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân của cả nước. Có thể khẳng định, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước; là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, được nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Trong thời gian tới, để “không ai bị bỏ lại phía sau” cần xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những chính sách quan trọng để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Theo đó, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Theo đó, NHCSXH cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương triển khai Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021, của Ban Bí thư  về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”…
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật; cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, như huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với các Chương trình mục tiêu quốc gia, các mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, đặc biệt, riêng có của NHCSXH để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm” đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là trong điều kiện các nguồn lực của Nhà nước còn nhiều hạn chế, khó khăn.
Tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho các đối tượng, nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến mọi tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương thường xuyên chỉ đạo thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; lồng ghép giữa vay vốn NHCSXH với đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả; đồng thời, nhân rộng các mô hình quản lý và sử dụng vốn vay hiệu quả trong cộng đồng.
Các địa phương cần tăng cường quan tâm, cân đối, bố trí ngân sách ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay; củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; thường xuyên, định kỳ điều tra, rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng chính sách khác tại các địa phương, tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời vốn tín dụng chính sách xã hội; xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

TS. Lê Hải
Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử

Các tin bài khác