Tín dụng chính sách ở Mù Cang Chải (Bài cuối: Khởi sắc ngành công nghiệp không khói)

30/10/2023
(VBSP News) Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nêu “Quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo của tỉnh Yên Bái”… Bám sát chủ trương này, NHCSXH huyện Mù Cang Chải đã chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng đáp ứng tiếp sức khi đồng bào có nhu cầu.
Anh bai 3

Khu Homestay của vợ chồng anh Hảng A Dò được nhiều khách nước ngoài ưa thích

Làm Homestay…
Đến Mù Cang Chải hôm nay, vẫn là ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn, những món ăn dân dã quen thuộc nhưng tất cả như khoác trên mình sự chuyên nghiệp và khoa học hơn. Rẻo cao này đã làm mới mình bằng nhiều sản phẩm và địa điểm du lịch. Các cơ sở lưu trú vẫn đậm màu sắc văn hoá nhưng tiện nghi hơn; đường xá đi lại cũng dễ dàng hơn nhiều, lại còn có đội ngũ hướng dẫn viên bản địa nhiệt tình, chu đáo… Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022, Mù Cang Chải đã đón và phục vụ 350.000 lượt khách, đạt 166,7% chỉ tiêu giao với doanh thu đạt 270 tỷ đồng.
Điểm dừng chân đầu tiên là khu Homestay của vợ chồng anh Giàng A Vềnh, sinh năm 1990 ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn. Tọa lạc trên đỉnh đồi, 4 bề thông thoáng, có thể ngắm nhìn hầu hết cảnh quan La Pán Tẩn đẹp mê hồn. Khu nhà nghỉ này có sức chứa khoảng 40 người, bao gồm nhà cộng đồng và phòng nghỉ đơn, nghỉ đôi khá tiện nghi. Theo anh Vềnh, vợ chồng anh bắt đầu xây dựng khu nhà nghỉ này từ năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phải ngừng hoạt động một thời gian dài. Năm 2023, dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động giải trí, vui chơi tăng mạnh trở lại. Dự kiến năm nay, vợ chồng anh sẽ thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ hoạt động dịch vụ Homestay.
Tiếp tục vào trung tâm bản La Pán Tẩn, thăm khu Homestay của vợ chồng anh Hảng A Dò, cũng là người Mông, thuộc thế hệ đầu 9x. Dù nằm xa trung tâm huyện nhưng Homestay của anh Hảng A Dò vẫn là địa chỉ vô cùng hút khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Không biết từ đâu, hai vợ chồng Hảng A Dò học được rất nhiều kỹ năng làm du lịch hiện đại.
Khi được hỏi bí quyết thu hút khách, cô vợ Giàng Thị Gừ nhanh nhảu cho biết: “Chúng em không có bí quyết gì đâu. Chỉ cần chỗ ngủ nghỉ sạch sẽ, ngăn nắp; đồ dùng và đồ ăn hoàn toàn là sản phẩm của địa phương; chúng em chỉ chịu khó học hỏi thêm cách chế biến sao cho phù hợp với du khách nhưng vẫn giữ hương vị đặc trưng của đồng bào mình”. Anh chồng Hảng A Dò tiếp lời: “Nhưng quan trọng nhất vẫn là thái độ các anh chị ạ. Phải làm sao để du khách đến đây luôn cảm thấy thân thiện và muốn quay trở lại!”.
Không khác nhiều so với Hảng A Dò và Giàng A Vềnh, khu Homesstay của anh Lò Văn Ly và anh Tòng Văn Ngoan ở tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải cũng thu hút khá đông lượng khách lưu trú. Gặp gỡ những con người này đều thấy ở họ một điểm chung là sự khao khát thay đổi và làm giàu. Các anh chị đã biết tận dụng lợi thế thiên nhiên ban tặng; bám sát các chiến lược phát triển của địa phương và sự hỗ trợ của các cấp ngành để bứt phá vươn lên. Đây quả là một bước tiến dài trong nhận thức của đồng bào Mù Cang Chải hôm nay.
… từ đồng vốn chính sách
Sẽ không có gì đáng nói nếu các hộ gia đình trên đi lên từ xuất phát điểm bình thường. Nhưng không, họ đều là những hộ nghèo nhất nhì của xã La Pán Tẩn và thị trấn Mù Cang Chải. Quan trọng hơn, họ đã và đang khởi nghiệp thành công từ đồng vốn chính sách của NHCSXH huyện.
Năm 2010, vợ chồng Giàng A Vềnh thuộc diện hộ nghèo của xã, hoàn cảnh rất khó khăn. Sau 10 năm vay vốn NHCSXH huyện, vợ chồng anh đã thoát nghèo và mạnh dạn vay 150 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Mù Cang Chải để đầu tư trang thiết bị cơ bản cho các phòng nghỉ. Rất may mắn, sau đại dịch, lượng khách đến Mù Cang Chải ngày càng đông, nhu cầu ăn nghỉ trải nghiệm cộng đồng rất lớn, nên công việc làm ăn khá phát triển. “Dù một năm chỉ có mấy tháng cao điểm nhưng thu nhập rất khá và chúng em còn tạo việc làm cho 10 lao động trong gia đình”, anh Giàng A Vềnh khoe.
Cũng đi lên bằng những đồng vốn nhỏ của NHCSXH huyện nhưng đến nay, gia đình anh Hảng A Dò đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang và sạch đẹp nhất nhì thị trấn Mù Cang Chải. Người vợ Giàng Thị Gừ còn bật mí: “Nhà em đón rất nhiều khách nước ngoài; họ đến vì thích cách bài trí và các món ăn đậm chất “Mông” của chúng em. Cứ thế, đoàn trước giới thiệu cho đoàn sau. Có đoàn khách còn quay lại lần 2 nữa…”.
Quả thật, hôm chúng tôi đến có khoảng hơn chục vị khách đến từ Đức. Họ đều ngoài 30 tuổi trở lên và tỏ ra vô cùng thích thú với cảnh sắc của Mù Cang Chải. Ông Raf Ana - một thành viên trong đoàn chia sẻ: Đây là lần thứ hai ông và các bạn đến Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Công ty Lê Viet Nam Travel. Lần trước là đến các tỉnh Tây Nam bộ; lần này là Tây Bắc. “Việt Nam đẹp quá, thiên nhiên rất ưu đãi các bạn, các món ăn lại ngon nữa nhất là cà phê. Chúng tôi ngạc nhiên là các bạn còn rất khó khăn nhưng ai nấy đều lạc quan, thân thiện và mến khách. Chúng tôi rất yêu các bạn và sẽ còn quay trở lại. Mong các bạn lưu giữ những giá trị văn hóa, những vẻ đẹp tự nhiên vốn có của mình…”, ông Raf Ana cười nói.
Có thể thấy, sự đánh giá của du khách là minh chứng khách quan nhất chứng minh, du lịch Mù Cang Chải đã thực sự khoác lên mình một diện mạo mới. Những năm qua, cùng với công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy và hành động của cộng đồng, huyện Mù Cang Chải đã tích cực huy động và khai thác tối đa các nguồn lực; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư để đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch.
Trong đó, NHCSXH huyện Mù Cang Chải đã có công rất lớn khi vận động và kịp thời chuyển vốn đến 77 hộ đồng bào, giúp họ cải thiện cuộc sống và làm giàu ngay trên quê hương; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bài và ảnh Bình Nhi - Đức Kiên

Các tin bài khác