Tín dụng chính sách ở Mù Cang Chải (Bài 2: Cùng nhau dệt những mùa vàng)

30/10/2023
(VBSP News) Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (2020 - 2025), kinh tế của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ lệ giảm nghèo bình quân của huyện đạt trên 8,44%/năm. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 30,3 triệu đồng/người/năm, tăng 9,9 triệu đồng/người so với đầu nhiệm kỳ, đạt 74,26% mục tiêu nghị quyết đề ra. Trong những thành quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ tín dụng chính sách...
Anh bai 2 a

Nguồn vốn chính sách đã giúp vợ chồng anh Thảo A Phổng thu lãi 200 triệu đồng/năm

Huy động mọi nguồn lực
Đến ngày 30/9/2023, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH huyện Mù Cang Chải đạt 409.075 triệu đồng, tăng 53.633 triệu đồng (tăng 15%) so với đầu năm; đạt 99,4% kế hoạch giao. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương chuyển về đạt 386.650 triệu đồng, tăng 54.818 triệu đồng (tăng 16,5%) so với đầu năm; đạt 100% kế hoạch năm.
Đặc biệt, ngoài nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đã quan tâm, ủy thác sang NHCSXH huyện 6.938 triệu đồng, tăng 2.283 triệu đồng so với đầu năm để cho vay. Trong đó, nguồn ngân sách huyện là 3.955 triệu đồng. Nguồn vốn cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhất là đáp ứng 100% nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo để phục vụ cho chăn nuôi, buôn bán, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm…
Cùng với đó, NHCSXH huyện đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tích cực tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Kết quả đến ngày 30/9/2023, số dư tiền gửi tiết kiệm huy động trên địa bàn đạt 7.972 triệu đồng, tăng 1.015 triệu đồng so với đầu năm; đạt 100% kế hoạch năm; số dư tiết kiệm bình quân 1 Tổ Tiết kiệm và vay vốn là 43 triệu đồng, số dư tiết kiệm bình quân 1 triệu đồng/hộ; tỷ lệ hộ còn dư nợ tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng tại các xã, thị trấn đạt trên 95%.
Để đưa nguồn vốn mau chóng đến với bà con, NHCSXH huyện đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát tổng hợp nhu cầu vay vốn, tổ chức họp tổ để bình xét cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, đôn đốc thu nợ đến hạn, quá hạn, nợ khoanh, thu lãi, thu tiết kiệm, kiểm tra đối chiếu vốn vay, tham gia giao dịch xã… Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện là 404.633 triệu đồng, tăng 50.358 triệu đồng so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 99,7% trên tổng dư nợ; thông qua 185 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, với 7.884 hộ có dư nợ.
Điều quan trọng, sau nhiều năm kiên trì vận động, cấp ủy, chính quyền và NHCSXH huyện đã làm chuyển biến cơ bản nhận thức của đông đảo đồng bào. Bà con mạnh dạn vay vốn, biết tận dụng sự hỗ trợ và sử dụng đồng vốn vào phát triển chăm nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, đời sống nhân dân dần khấm khá, an ninh trật tự được bảo đảm.
Từng bước giúp dân thoát nghèo
Mù Cang Chải hiện nay còn tới 13 bản (1.530 hộ) chưa có điện lưới quốc gia; 8 bản chưa có sóng điện thoại, gần 16 nghìn người chưa sử dụng smartphone, số có thì phần lớn cấu hình, chất lượng kém… Nhờ sự sát sao và tận tâm của cán bộ tín dụng chính sách; sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng đã phát huy hiệu quả, từng bước giúp đồng bào tự đứng vững trên đôi chân của mình và từng bước thoát nghèo.
Gia đình anh Thào A Phổng, 42 tuổi, dân tộc Mông, ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt là một ví dụ. Năm 2010, anh Phổng được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo để chăn nuôi trâu. Sau 5 năm, gia đình được vay tiếp 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để đầu tư mở rộng diện tích trồng cây hồng giòn kết hợp chăn nuôi. Năm 2020, anh Phổng trả hết nợ vay, rồi lần lượt vay tiếp các chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm. Đến nay, anh Phổng có trong tay cơ ngơi khang trang cùng 100 gốc hồng, đàn lợn rừng gần trăm con, mỗi năm trừ chi phí, anh thu lãi gần 200 triệu đồng.
Một điển hình khác là hộ Thào A Pàng, dân tộc Mông, sinh năm 1982 ở bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt. Cũng khởi nghiệp với 50 triệu đồng vốn vay chương trình hộ nghèo từ năm 2013 để nuôi trâu; 5 năm sau anh Pàng trả hết nợ và vay tiếp 50 triệu đồng chương trình hộ sản xuất kinh doanh, để mở rộng phương án chăn nuôi trâu và trồng thảo dược.
Quả thật, nhìn vào cơ ngơi khang trang, ngăn nắp; máy cắt cỏ, máy xát lúa, cho đến đàn trâu bò, lợn gà và những ruộng lúa, ngô hay những vạt thảo dược của gia đình anh Pàng mới thấy giá trị lớn lao của nguồn vốn tín dụng chính sách mang lại cho đồng bào. Từ nguồn vốn vay, gia đình anh Pàng không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn, của để, trở thành hộ khá trong bản với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nguồn vốn còn giúp gia đình anh Pàng xây dựng được nhà tắm, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình 4 người tốt hơn, khỏe mạnh hơn.
Trên thực tế, sau nửa nhiệm kỳ phát triển, kinh tế của huyện Mù Cang Chải có nhiều khởi sắc. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2022 giảm xuống còn 28,0% (giảm 2,5%), đạt 89,29% Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ đều tăng từ 1% - 1,5% so với đầu nhiệm kỳ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 30,3 triệu đồng/người/năm, tăng 9,9 triệu đồng/người so với đầu nhiệm kỳ, đạt 74,26% mục tiêu nghị quyết đề ra. Đến nay, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của huyện đạt trên 8,44%/năm. Đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo còn 6.344 hộ, chiếm tỷ lệ 48,28%; số hộ cận nghèo là 1.452 hộ, chiếm tỷ lệ 11,05%.
Kết quả trên là sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của mỗi cá nhân đồng bào, đặc biệt là sự vào cuộc đầy trách nhiệm của NHCSXH huyện. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo chưa thật sự bền vững, đời sống đồng bào vẫn vô cùng khó khăn. “Do đó chúng tôi rất cần sự đồng hành của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và NHCSXH huyện”, Bí thư Nông Việt Yên chia sẻ.

Bài và ảnh Bình Nhi - Đức Kiên

Các tin bài khác