Biến đam mê thành hiện thực
Gian nan khởi nghiệp
Mạnh mẽ, quyết đoán và vẻ bề ngoài điển trai là những cảm nhận đầu tiên về ông chủ Trang trại lươn giống Thanh Tân. Chẳng thế mà, 7 năm với không biết bao lần thất bại vì lươn, chạch, cũng không làm nản lòng chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Tân.
Tốt nghiệp THPT, anh vào làm công nhân cho công ty may túi xách Hàn Quốc ở TP Hồ Chí Minh và tranh thủ học đại học kỹ thuật hệ vừa làm vừa học. Sau nhiều nỗ lực, Tân được bố trí làm giám đốc sản xuất với mức lương 25 triệu đồng/tháng. “Thu nhập cao và thời gian gắn bó với công việc gần cả chục năm nhưng em quyết định xin nghỉ việc, về quê lập nghiệp bằng nghề nuôi lươn và sản xuất lươn giống” - Tân bắt đầu câu chuyện.
Tân kể, năm 2012, sau khi đi tham quan, học hỏi một số cơ sở nuôi lươn giống nhân tạo, anh trở về quê và xây dựng 4 bể xi măng thử nghiệm nuôi lươn. Và, dù rất cẩn trọng nhưng ngay lần đầu tiên sau khoảng 10 tháng, với 200kg lươn giống, đã làm Tân mất đứt 80 triệu đồng.
Bình tâm trở lại, Tân nhận ra lý do khiến anh thất bại không gì khác ngoài lý do con giống. Vì chưa có kinh nghiệm, nên Tân mua giống trôi nổi của người săn bắt ngoài tự nhiên; giống già, tập tính lươn còn hoang dã nên chưa thích nghi môi trường trong hồ nuôi. Kích cỡ, trọng lượng giống không đồng đều nên khó chăm sóc nên bị hao hụt khá nhiều, hiệu quả nuôi không cao. Sau thất bại này, Tân tìm đến một trung tâm giống ở tỉnh An Giang để tham quan. Tại đây, Tân được cán bộ thủy sản hướng dẫn quy trình sản xuất và nhân giống lươn. Bên cạnh đó, Tân tìm đến một số hộ nuôi và sản xuất lươn giống, đã được chuyển giao kỹ thuật để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Trở về với hành trang kỹ thuật và kinh nghiệm khá đầy đủ, Tân quyết định mua 3.000 con giống về tiếp tục nuôi trong bể. “Tin vui là lần này em không lỗ, sau 10 tháng bán lươn thịt em đã có chút lời” - Tân hóm hỉnh nói. Để bảo đảm chất lượng nguồn giống, trong quá trình nuôi lươn thịt, Tân học hỏi qua mạng cách ép và ươm lươn giống. Và, từ nguồn lươn thương phẩm, Tân tuyển chọn những con khỏe mạnh để làm bố mẹ.
Cũng như việc nuôi lươn thương phẩm, lần đầu ươm giống cũng thất bại. Không nản, năm 2014, Tân lại tiếp tục thực nghiệm lại quy trình cho lươn đẻ. Qua những tài liệu nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm theo dõi mùa vụ sinh sản của lươn tự nhiên, Tân tiến hành thiết kế bể nuôi lươn đẻ. Khi lươn đã đẻ trứng xong, anh tiến hành vớt trứng đưa sang bể ấp. Cuối cùng, việc ươm giống cũng thành công, nhưng tỷ lệ chỉ đạt khoảng 30 - 40%. Không chịu dừng lại, Tân vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu phải chủ động được lươn giống. Ông trời đã không phụ lòng, năm 2015, tỷ lệ trứng nở đạt đến trên 70% và các năm tiếp theo đều đạt tỷ lệ như mong muốn.
Từ thành công này, năm 2017, Tân mạnh dạn mở rộng cơ sở sản xuất lên 2.000m2, với 5.000 con lươn bố mẹ, cho sinh sản hơn 1 triệu con giống và bán ra thị trường trong nước, với giá trung bình khoảng 3.000 đồng/con, mang về cho anh hơn 1 tỷ đồng tiền lãi.
Bước tiếp và vươn xa
Trong quá trình khởi nghiệp, em đã ra Nghệ An - vùng đất nổi tiếng với đặc sản lươn. Lươn xứ Nghệ không chỉ ngon về chất lượng mà còn ngon ở cách chế biến. Ra về, em suy nghĩ và lại ước, vào một ngày nào đó, lươn giống Thanh Tân sẽ được các tỉnh miền Bắc, miền Trung biết đến và chọn dùng.
Thế là, cuối năm 2017, Tân tiếp tục thuê đất mở rộng thêm cơ sở sản xuất lươn giống lên 4.000m2, với 10.000 con bố mẹ. Mỗi tháng cơ sở của Tân sản xuất và bán được khoảng 200.000 con giống. Một mặt, lập trang web để giới thiệu, quảng bá sản phẩm; một mặt, bắt đầu tìm hiểu và mở văn phòng đại diện tại các tỉnh miền Bắc. “Dự kiến, cuối năm nay, em sẽ có văn phòng đại diện tại huyện Đông Anh, Hà Nội” - Tân khoe.
Giờ đây, khách hàng trong toàn quốc đã biết đến hương hiệu, uy tín của Trang trại nuôi lươn giống nhân tạo Thanh Tân. Các đơn hàng đặt qua website của cơ sở chiếm khoảng 70% sản lượng bán ra. Số còn lại, xuất khẩu tiểu ngạch qua Lào. “Hướng tới, em sẽ mở rộng thị trường lươn giống sang các nước láng giềng. Đồng thời, nghiên cứu sản xuất thịt lươn xuất khẩu và các món ăn được chế biến sẵn từ thịt lươn”, Tân chia sẻ.
Nhờ thành công trong SXKD, Tân cũng tạo việc làm ổn định cho hàng chục người trong vùng với mức thu nhập 150 - 200 nghìn đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, Tân sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm cho người muốn nuôi lươn. Những hộ trong xã chưa có vốn, Tân vừa hướng dẫn kỹ thuật nuôi, vừa hỗ trợ con giống.
Nuôi lươn thịt trong bể không cần bùn, chỉ cần xây bể theo chiều ngang 2m x 3m và cao 60cm; ốp lót gạch men hoặc tô hồ dầu láng để tránh lươn bị trầy xước. Hoặc có thể tận dụng chuồng nuôi heo cũ, diện tích từ 2 - 4m2 là được; hoặc dùng vải bạt ny lông tạo thành bể, có gắn ống thoát để tiện cho việc thay nước. Tuy nhiên, bể nuôi phải thoáng mát, nguồn nước sạch, cho ăn đúng giờ, thức ăn bảo đảm vệ sinh |
Bài và ảnh Vũ Thái Bình
Các tin bài khác
- » CCB Sông Hinh vượt khó vươn lên từ vốn chính sách
- » Sát cánh cùng thanh niên lập nghiệp
- » Đồng hành cùng người dân vùng khó
- » Điểm tựa của các gia đình chính sách, người có công
- » Tiếp sức để thương binh “tàn” mà không “phế”
- » “Bà đỡ” cho hộ nghèo xóa nghèo
- » Tỉnh Gia Lai chú trọng giảm nghèo cho gia đình chính sách, người có công
- » CCB tỉnh Cao Bằng với tinh thần “khó khăn nào cũng vượt qua”
- » Những người “xưa thắng giặc, nay thắng nghèo”
- » Vốn chính sách giúp CCB Phạm Khắc Hà làm giàu