Đồng hành cùng người dân vùng khó

30/07/2018
(VBSP News) Quảng Ninh có 113/186 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc, miền núi, hải đảo, trong đó có 22 xã và 11 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Để người dân khu vực này tiếp cận với các dịch vụ tài chính, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thời gian qua NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt việc hỗ trợ vốn vay, huy động tiết kiệm, dịch vụ tin nhắn…
NHCSXH huyện Hoành Bồ đang giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã

NHCSXH huyện Hoành Bồ đang giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã

Để góp phần hoàn thành mục tiêu của tỉnh trong việc đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn lượt hộ dân tại 22 xã và 11 thôn đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất.

Theo đó, NHCSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả xã, thôn, bản. Phần lớn trình độ của người dân của các xã, thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn còn hạn chế nên ngân hàng đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn, đoàn thể nhận uỷ thác hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, giải ngân nhanh chóng, kịp thời các nguồn vốn được phân khai.

NHCSXH các huyện cũng phân công cán bộ tín dụng đến từng hộ gia đình rà soát từng đối tượng, xác định mục đích vay vốn, xây dựng phương án giải ngân phù hợp. Hằng tháng, NHCSXH còn thực hiện kiểm tra hoạt động uỷ thác của các tổ chức, sử dụng vốn vay, đối chiếu dư nợ. Từ đó, kịp thời phát hiện vướng mắc của từng hộ để kịp thời có phương án khắc phục. Đồng hành cùng các hộ dân, NHCSXH còn phối hợp địa phương tham gia tư vấn phát triển sản xuất; hướng dẫn các hộ dân áp dụng KHKT vào SXKD; triển khai các mô hình kinh tế phù hợp để bà con áp dụng.

Hiện dư nợ cho vay các chương trình tín dụng tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 383 tỷ đồng, với 11.508 hộ. Dư nợ bình quân 22,5 tỷ đồng, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh (bình quân của các xã trong toàn tỉnh là 14 tỷ đồng). Các hộ vay vốn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tạo thu nhập cho hộ gia đình, chấp hành việc trả gốc, trả lãi đúng kỳ theo cam kết. Chất lượng tín dụng tại địa bàn cơ bản tốt, nợ quá hạn thấp hơn so với bình quân chung toàn tỉnh, không có nợ khoanh.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2017 - 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định về việc phê duyệt đề án thực hiện chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng này. Trên cơ sở đó, NHCSXH tỉnh đề xuất TW bố trí nguồn vốn hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho người dân chưa có hoặc thiếu đất sản xuất để tạo quỹ đất hoặc chuyển đổi nghề, hộ đồng bào DTTS nghèo ở xã đặc biệt khó khăn có phương án sử dụng vốn vay SXKD. Theo đó, năm 2018, NHCSXH tỉnh đã được phân bổ vốn vay hơn 67 tỷ đồng từ nguồn vốn TW.

Để đưa nguồn vốn tới các hộ dân, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo NHCSXH các huyện tích cực phối hợp với các địa phương rà soát đối tượng có nhu cầu, tuyên truyền về chính sách đến người dân, nhanh chóng xem xét, thẩm định, giải ngân hồ sơ vay vốn. Mức hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các hộ chưa có hoặc thiếu đất sản xuất tối đa không quá 6 triệu đồng/hộ, vốn vay ưu đãi cho các hộ phát triển sản xuất không quá 50 triệu đồng/hộ. Chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, hiện tổng dư nợ của chương trình đã đạt trên 9,5 tỷ đồng cho gần 200 hộ dân tại 5 địa phương là huyện Vân Đồn, Hải Hà, Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ vay vốn.

Không chỉ đưa vốn vay ưu đãi đến với các đối tượng chính sách, thời gian qua, NHCSXH tỉnh đa dạng hóa các dịch vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian. Đặc biệt, NHCSXH hiện là ngân hàng duy nhất có phần lớn khách hàng là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc, do đó, việc đa dạng hóa dịch vụ sẽ giúp người dân quen dần với hoạt động tài chính.

Ngoài việc triển khai mô hình Tổ tiết kiệm vay vốn, huy động tiền gửi tiết kiệm tại 186 Điểm giao dịch xã, NHCSXH tỉnh đang triển khai dịch vụ tin nhắn thông qua điện thoại di động tới người dân có hoạt động giao dịch tại NHCSXH. Dịch vụ tin nhắn cung cấp các thông tin: Dư nợ tiền vay, số dư tiền gửi, thông báo nợ đến hạn, thông báo chuyển nợ quá hạn. Để triển khai hiệu quả dịch vụ tin nhắn, NHCSXH tỉnh đã thực hiện công khai thông tin tại các Điểm giao dịch xã, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể rà soát lại số điện thoại khách hàng đã thu thập nhằm kịp thời cập nhật thông tin chính xác.

Cùng với đó, ngân hàng đã phân công cán bộ tiếp nhận, mở sổ theo dõi phản hồi của người dân, đồng thời giải đáp đầy đủ vướng mắc. Đến nay, dịch vụ này đã được triển khai tới phần lớn khách hàng của ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn cũng như giúp người dân, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo tiếp cận với các hoạt động tài chính.

Theo Cao Quỳnh Báo Quảng Ninh

Các tin bài khác