Vốn chính sách giúp CCB Phạm Khắc Hà làm giàu
Gặp lại ông, người lính đã trải qua bao gian khó của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông vẫn đang tích cực làm kinh tế giàm nghèo và tham gia công tác CCB với chức danh ủy viên BCH, chi hội trưởng CCB Tổ dân phố Lê Hồng Phong. Vẫn chất giọng nhỏ nhẹ, trầm ấm, ông tâm sự rằng: Năm 1971, ông nhập ngũ vào đại đội 26, tiểu đoàn 12, sư đoàn đoàn 305. Ngày 11/1/1972, ông cùng đơn vị tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đêm 30/6/1972 trong trận đánh trung tâm truyền tin núi Bà Rá thuộc xã Phước Long, nay là thị xã Phước Long (Bình Phước) ông bị thương phải về bệnh viện dã chiến điều trị. Sau 2 tháng điều trị, ông tiếp tục về đơn vị tham gia chiến đấu cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975). Năm 1977, khi hoàn thành nhiệm vụ, ông chuyển ngành về Nhà máy cơ khí nông nghiệp thuộc Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam với tỷ lệ thương tật hạng 3/4. Năm 1992, ông về nghỉ mất sức, với đồng lương ít ỏi cùng thu nhập của người vợ là xã viên HTX dệt lụa Vạn Phúc không đủ trang trải trong cuộc sống và nuôi 2 con ăn học. Ông trăn trở và quyết tâm khởi nghiệp từ chính nghề dệt lụa truyền thống của quê hương. Từ 100 triệu đồng NHCSXH cho vay cùng với sự giúp đỡ của gia đình, ông đầu tư mua công cụ, nguyên liệu, xây dựng xưởng dệt lụa gia đình với 5 máy dệt lụa.
Với bản chất truyền thống “Anh bộ đội Cụ Hồ” cùng với việc đầu tư, quản lý nguồn vốn vay có hiệu quả, chỉ trong vòng vài năm ông đã phát triển xưởng dệt lụa và hoàn vốn vay ưu đãi. Ông tiếp tục vay vốn NHCSXH để đầu tư phát triển sản xuất, hiện nay ông là gương sáng cho bao CCB khác học tập noi theo. Năm 2015, ông mạnh dạn mở một cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Đến nay xưởng dệt lụa của ông bình quân hàng ngày dệt được 90 mét lụa, doanh thu hằng năm đạt trên 2 tỷ đồng, luôn đảm bảo việc làm thường xuyên cho 16 lao động là con em trong gia đình và địa phương, lương bình quân đạt 6,5 triệu đồng/tháng. Trải lòng mình, ông chia sẻ: “Trải qua nhiều thăng trầm nhưng nếu không có nguồn vốn “mồi” của NHCSXH để khởi nghiệp thì tôi không thể có được như ngày hôm nay, gia đình chúng tôi mới thoát được nghèo vươn lên làm giàu, mới có thể nuôi các con ăn học thành người”.
Năm 2014, ông được Hiệp hội làng nghề Việt Nam vinh danh nghệ nhân làng nghề. Năm 2016, tại Hội nghị tổng kết 5 năm chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, ông được Hội CCB thành phố tặng Bằng khen. Năm 2017, ông được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen về “Duy trì, quảng bá và phát triển nghề truyền thống của địa phương”. Chia tay ông, hình ảnh về một CCB, một thương binh, một chi hội trưởng CCB, một Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, vẫn một bầu nhiệt huyết với công việc của làng nghề, của Hội CCB, còn đọng mãi trong tâm trí tôi. Với tôi, điều kỳ diệu tạo lên bầu nhiệt huyết trong ông có lẽ trong trái tim ông mãi mãi có hình ảnh “Anh Bộ đội Cụ Hồ”.
Bài và ảnh Nguyễn Văn Chiến
Các tin bài khác
- » Phú Yên cho CCB vay vốn phát triển kinh tế
- » Thương binh tàn nhưng không phế
- » Tín dụng chính sách tiếp sức vùng khó khăn xứ Lạng
- » Vốn vay ưu đãi giúp CCB vùng đất Tổ vươn lên làm giàu
- » Những gương thương binh vượt khó làm giàu ở Nam Đông
- » “Vốn mồi” cho những thương binh trên mặt trận nông nghiệp
- » Mang Yang ưu tiên nguồn lực chăm lo gia đình chính sách
- » Phong trào thi đua của hội viên CCB Quỳ Châu
- » Vốn vay ưu đãi đồng hành cùng hộ nghèo
- » Tiếp sức cho người nghèo