CCB Sông Hinh vượt khó vươn lên từ vốn chính sách
Vươn lên thoát nghèo
Sau 4 năm làm lính radar ở bán đảo Sơn Trà, năm 1992, ông Lê Trọng Hùng ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng xuất ngũ, về lại quê nhà ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, vì sinh kế khó khăn nên chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông Hùng theo những người quen vào vùng đất Sông Hinh lập nghiệp bằng nghề chẻ đá xây dựng. Ba năm sau, tích góp được chút vốn, ông mua một mảnh vườn, cất căn nhà nhỏ rồi đưa cha mẹ từ ngoài quê vào sinh sống. “Ban đầu, gia đình tôi trồng tiêu theo xu thế bấy giờ nhưng do không có kinh nghiệm lại gặp vùng đất có nhiều gió nên tiêu bị lay gốc, chết dần. Sau đó, gia đình chuyển sang trồng cà phê nhưng cũng không hiệu quả. Loay hoay mãi chúng tôi vẫn chưa tìm được cách thoát nghèo”, ông Hùng kể.
Năm 2017, ông Hùng vay 30 triệu đồng từ NHCSXH Sông Hinh, mua 10 con dê về nuôi. Được một thời gian, dê sinh sản, đàn lớn dần lên đến 40 con. Mới đây, ông đã xuất bán gần hết và mua lại 60 con cừu về nuôi. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng hơn 3 sào đất vườn để trồng 300 trụ tiêu, 50 gốc cam và nuôi gần 100 con gà. Theo ông Hùng, mặc dù ông mới vay vốn ưu đãi từ NHCSXH được hơn 1 năm để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi nhưng hiệu quả bước đầu thấy rõ, nhất là việc ông đã mạnh dạn làm ăn, tìm được hướng ra cho kinh tế gia đình. Cuộc sống của cả nhà cũng bắt đầu bớt khó khăn và dần được cải thiện hơn trước. “Tôi chọn nuôi dê, cừu phần vì thời gian nuôi ngắn, vật nuôi ít bệnh, đỡ tốn công chăm sóc, phần khác vì có nguồn tiêu thụ ổn định ở Ninh Thuận. Thêm vào đó, vì không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào chăn nuôi nên tôi trồng thêm tiêu, cam để kiếm thêm thu nhập. Nếu không có nguồn vốn “mồi” từ NHCSXH, tôi không thể mạnh dạn làm ăn như ngày hôm nay”, ông Hùng chia sẻ.
Là một cựu binh từng làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia từ năm 1986, đến năm 1989, ông Trần Văn Cúc ở xã Đức Bình Tây xuất ngũ, về quê lập gia đình. Thời gian đầu ra riêng, vợ chồng ông gặp rất nhiều khó khăn. Ba người con lần lượt ra đời, cuộc sống vốn đã khó lại chồng thêm khó, mà khó nhất là có sức khỏe mà không có vốn làm ăn. Biết được hoàn cảnh của nhà ông Cúc, Hội CCB xã Đức Bình Tây đã hướng dẫn gia đình làm hồ sơ vay vốn hộ nghèo từ NHCSXH huyện Sông Hinh. Ông Cúc cho biết: Cách đây hơn chục năm, với số vốn vay khoảng 10 triệu đồng lúc đó chúng tôi có giá trị lắm. Khi đó, tôi dùng số tiền vay được mua 2 con bê về nuôi. Bê lớn, tôi dùng để cày ruộng và bán bớt trả nợ rồi vay tiếp 20 triệu đồng về đầu tư trồng mía. Cứ thế, tôi vay trả đàng hoàng nên được tin tưởng cho vay lại để làm ăn. Dần dần, vợ chồng tôi không chỉ thoát nghèo, mà còn có tiền sắm sửa vật dụng trong nhà và nuôi 3 đứa con ăn học. Hiện tôi vẫn còn vay vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và vốn giải quyết việc làm của NHCSXH để đầu tư trồng 3ha mía và nuôi bò. Thu nhập hằng năm sau khi trừ chi phí còn tới 80 triệu đồng.
Cần thêm vốn ưu đãi
Không riêng hộ ông Hùng, ông Cúc, gần 15 năm qua, hàng ngàn gia đình CCB trên địa bàn huyện Sông Hinh đã được tạo điều kiện vay vốn đầu tư SXKD, tạo ra nhiều việc làm mới; nhiều hội viên CCB đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện kinh tế gia đình. Tính đến cuối tháng 6/2018, dư nợ NHCSXH huyện Sông Hinh ủy thác qua Hội CCB huyện quản lý hơn 41,4 tỷ đồng, chiếm 13,3% tổng dư nợ, tăng hơn 2,9 tỷ đồng so với đầu năm, với hơn 1.000 hộ còn đang vay vốn. Dư nợ bình quân là 39,3 triệu đồng/hộ, mức cao nhất trong số 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác. Nợ quá hạn chỉ có 49 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,12%. Hiện nay Hội CCB huyện có 32 Tổ tiết kiệm và vay vốn; trong đó 29 tổ tốt, 3 tổ khá, không có tổ hoạt động trung bình, yếu.
Theo Chủ tịch Hội CCB huyện Sông Hinh Phạm Tây, để quản lý tốt nguồn vốn vay, các hội viên thường xuyên tổ chức gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay. Hằng năm, Hội chọn những hộ CCB có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gương SXKD giỏi từ sử dụng vốn vay để tuyên truyền nhân rộng. Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến, giải thích đầy đủ, kịp thời cho người dân các chính sách tín dụng ưu đãi, những quyền lợi, trách nhiệm khi vay vốn NHCSXH. Đồng thời yêu cầu hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích xin vay, trả lãi đầy đủ theo định kỳ, hằng tháng tham gia gửi tiết kiệm theo quy ước hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; lưu giữ biên lai thu lãi, sổ vay vốn đúng quy định, trả nợ đến hạn, nợ phân kỳ theo cam kết. Ngoài ra, Hội còn thường xuyên kiểm tra, giám sát, sâu sát đến tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, qua đó ngày càng phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH…
“Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hội viên CCB khó khăn, cần vốn để duy trì và mở rộng SXKD. Do đó, trong thời gian tới, Hội CCB huyện sẽ tiếp tục phối hợp với NHCSXH huyện Sông Hinh và chính quyền cơ sở rà soát các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn, tổ chức bình xét, hướng dẫn làm hồ sơ vay, kịp thời giải ngân vốn để họ có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Phạm Tây nói.
Bài và ảnh Lê Hảo
Các tin bài khác
- » Sát cánh cùng thanh niên lập nghiệp
- » Đồng hành cùng người dân vùng khó
- » Điểm tựa của các gia đình chính sách, người có công
- » Tiếp sức để thương binh “tàn” mà không “phế”
- » “Bà đỡ” cho hộ nghèo xóa nghèo
- » Tỉnh Gia Lai chú trọng giảm nghèo cho gia đình chính sách, người có công
- » CCB tỉnh Cao Bằng với tinh thần “khó khăn nào cũng vượt qua”
- » Những người “xưa thắng giặc, nay thắng nghèo”
- » Vốn chính sách giúp CCB Phạm Khắc Hà làm giàu
- » Phú Yên cho CCB vay vốn phát triển kinh tế