“Bàn đạp” của hội viên nông dân Hồng Ca

03/06/2013
(VBSP News) Nhờ có nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện đã tiếp sức giúp các hội viên Hội Nông dân xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) khai thác có hiệu quả thế mạnh của địa phương, phát triển các mô hình kinh tế, đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.
Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của hội viên Hà Ngọc Cương, thôn Nam Hồng, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái)

Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của hội viên Hà Ngọc Cương, thôn Nam Hồng, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái)

Hội Nông dân xã Hồng Ca có trên 860 hội viên, sinh hoạt tại 17 chi hội. Với đặc thù là xã vùng cao, kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, manh mún nhỏ lẻ, phần lớn hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hạn chế, thiếu vốn… nên đời sống còn nhiều khó khăn. Giúp hội viên tháo gỡ khó khăn, những năm qua, hội đã đứng ra tín chấp với NHCSXH huyện giúp hội viên vay vốn, hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa nghèo.

Tổng dư nợ do Hội Nông dân xã quản lý hiện nay là trên 4 tỷ đồng đã giúp nhiều hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Ông Hà Hùng Bắc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Ca bộc bạch: “Mặt bằng về nhận thức của các hội viên không đồng đều, đặc biệt có 4 chi hội mà hội viên là đồng bào Mông ở cách xa trung tâm, đường giao thông đi lại không thuận lợi, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế rất khó khăn… Tùy theo điều kiện trình độ, hoàn cảnh cụ thể, các hội viên đều xác định mục đích sử dụng vốn vay phù hợp. Người thì đầu tư trồng rừng, người chăn nuôi trâu, bò, lợn, cũng có người khai hoang ruộng đất, đầu tư kinh doanh buôn bán… Nhìn chung, khoảng 80% hội viên đều sử dụng đồng vốn đem lại hiệu quả đạt khá trở lên”. Với lợi thế, tiềm năng về đất đồi, hội viên Hà Thanh Ca ở thôn Nam Hồng đã quyết định đầu tư trồng tre măng Bát Độ, đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Ông Ca cho biết: “Xác định làm nông - lâm nghiệp cũng giống như kinh doanh, không làm thì thôi mà đã làm thì phải đầu tư, đặt hết tâm huyết của mình vào mới thành công. Năm 2009, tôi được vay 30 triệu đồng và đã đầu tư toàn bộ mua giống tre măng Bát Độ trồng 2ha. Trước đó, gia đình đã trồng được 1ha. Năm 2011, 3ha tre măng Bát Độ đã cho thu hoạch, số tiền bán măng tôi tiếp tục đầu tư trở lại trồng mới thêm 1,5ha. Năm vừa qua, nguyên thu nhập từ măng tre Bát Độ đã được trên 40 triệu đồng. Một hai năm nữa, khi cả 4,5ha tre măng Bát Độ đều cho thu hoạch, chắc sẽ cho thu nhập trên 60 triệu đồng/vụ”.

Cũng ở thôn Nam Hồng, gia đình hội viên Hà Ngọc Cương có lợi thế nhà ở mặt đường, thuận lợi cho việc giao thương, đi lại, vận chuyển nên đầu tư làm dịch vụ và chăn nuôi lợn, mang lại hiệu quả cao. Anh Cương chia sẻ: “Năm 2010, tôi được vay 20 triệu đồng kết hợp với ít vốn gia đình tích cóp đầu tư mua máy về làm dịch vụ xay xát kết hợp chăn nuôi lợn thương phẩm, xuất bán 3 lứa/năm, mỗi lứa từ 20 đến 25 con. Sau hai năm vừa phát triển vừa học hỏi kinh nghiệm, hiện nay, sau khi trừ chi phí chăn nuôi, bình quân mỗi năm, gia đình lãi khoảng 80 triệu đồng từ nguồn thu chăn nuôi và làm dịch vụ”.

Không chỉ riêng hai hội viên này mà ở các chi hội khác cũng có nhiều hội viên từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đã vượt qua khó khăn, duy trì hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện nguồn lực, kỹ thuật của gia đình, từng bước vươn lên xóa nghèo.

Nhờ có nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện đã tiếp sức giúp các hội viên Hội Nông dân xã Hồng Ca khai thác có hiệu quả thế mạnh của địa phương, phát triển các mô hình kinh tế, đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Qua đó, đã góp phần không nhỏ nâng cao bình quân thu nhập đầu người trong xã từ 7,5 triệu đồng/người/năm 2011 lên 10,8 triệu đồng năm 2012 và giảm hộ nghèo xuống còn 634 hộ. Xã phấn đấu năm 2013, thu nhập đầu người đạt 11,5 triệu đồng và giảm 10% số hộ nghèo.

A Mua

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác