Tín dụng ưu đãi mở rộng cánh cửa tương lai cho học sinh, sinh viên nghèo
Gia đình bà Nguyễn Thị Tám ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành là một điển hình, khiến nhiều người nể phục. Chồng mất sớm, bà Tám tần tảo lo toan cuộc sống và nuôi các con ăn học lên người. Thu nhập chính chỉ trông vào 3 sào ruộng khoán, cuộc sống hết sức khó khăn. Song phần thưởng lớn nhất mà bà nhận được là cả 5 đứa con đều ngoan ngoãn, thi đỗ vào các trường đại học. Cậu con trai đầu Nguyễn Văn Lập và em gái Nguyễn Thị Thu thi đỗ vào Học viện Tài chính, hai năm sau con gái thứ 3 đỗ Đại học Điện Lực Hà Nội và tiếp đó là hai em Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Văn Thiết đều thi đỗ vào các đại học, cao đẳng danh giá.
Bà Tám phấn khởi nói, may mà 3 cháu lớn đã tốt nghiệp đại học, 2 cháu đang công tác tại một doanh nghiệp Nhà nước, cháu thứ 3 công tác tại một trường đại học ở Hưng Yên, còn 2 cháu đang hoàn thành nốt chương trình đại học ở Hà Nội. Tôi được tiếp cận chương trình tín dụng học sinh, sinh viên từ năm 2008 đến nay và đang còn dư nợ tổng số tiền trên 50 triệu đồng. Nhờ có chương trình tín dụng học sinh, sinh viên các con tôi không bỏ lỡ việc học hành.
Khác với hoàn cảnh của bà Tám, gia đình ông Nguyễn Văn Ổn ở thôn Thọ Ninh, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình cũng đặc biệt khó khăn. Vợ chồng ông phải bươn chải để nuôi 4 người con theo học liên tục tại các trường đại học. Hiện nay, ông đang vay của Nhà nước gần 80 triệu đồng.
Ông Ổn tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nếu không có vốn hỗ trợ thì gia đình không biết dựa vào đâu để cung cấp cho các cháu học hành. Chính nhờ nguồn vốn “nghĩa tình” này các con tôi đều chăm ngoan và có thành tích cao trong học tập. Tôi mong muốn, Nhà nước tiếp tục đầu tư cho chương trình này, nên điều chỉnh mức vay kịp thời, phù hợp với giá cả thị trường để các cháu có cơ hội học tập tốt hơn”.
Trước đây, khi chưa có chủ trương, không ít gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nhận được giấy báo con em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng có tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Vui là bởi bao năm đèn sách và đến kỳ thi tuyển con em họ đã đỗ đạt vào các trường theo đúng nguyện vọng, cơ hội tiến thân của người dân nghèo bao đời đã mở ra… Thế nhưng, đan xen niềm vui đó là nỗi lo tiền bạc chu cấp cho con em ăn học suốt cả quá trình dài. Từ khi có chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, sự lo âu, phiền muộn về “cơm áo, gạo tiền” gần như đã được trút bỏ.
Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh Bắc Ninh, doanh số cho vay 5 năm qua đạt 779.900 triệu đồng, doanh số thu nợ 125.622 triệu đồng, tổng dư nợ 654.643 triệu đồng với 38.712 học sinh, sinh viên còn dư nợ. Tốc độ tăng trưởng so với cuối năm 2007 tăng 13,5 lần.
Mục tiêu của đơn vị trong thời gian tới là tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình, góp phần đem lại niềm vui cho các em, giảm bớt nhọc nhằn, lo toan cho những bậc phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, tạo niềm tin tưởng, ủng hộ của nhân dân.
Hà Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn chính sách ở Phổ Quang
- » Một dự án thiết thực với người Khmer nghèo
- » Hành trình của tín dụng học sinh, sinh viên trên quê hương Thanh Hà
- » Chương trình cho vay hộ cận nghèo, vài ghi nhận ở Nghệ An
- » Đạt kế hoạch, nhưng chưa bền
- » Vốn vay giúp hộ nghèo thoát nghèo
- » 10 năm thực hiện ủy thác cho vay vốn: Hàng triệu hộ dân thoát nghèo
- » NHCSXH huy động thành công 800 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ
- » Niềm vui cho hộ cận nghèo
- » Giúp thanh niên tiếp cận vốn vay ưu đãi