Vốn chính sách ở Phổ Quang

28/05/2013
(VBSP News) Ở Phổ Quang - xã ven biển vùng bãi ngang của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào ngư nghiệp, còn lại là nông nghiệp, dịch vụ và mua bán nhỏ, với không ít khó khăn, nhất là khi phải đối mặt với thiên tai, bão lũ. Những năm qua, đồng vốn chính sách đã ghi dấu ấn không nhỏ trong nỗ lực của mỗi hộ gia đình để hướng tới một cuộc sống tốt hơn.
Vốn chính sách đã ghi dấu ấn không nhỏ trong nỗ lực của người dân nghèo tỉnh Quảng Ngãi nói chung, xã Phổ Quang nói riêng

Vốn chính sách đã ghi dấu ấn không nhỏ trong nỗ lực của người dân nghèo tỉnh Quảng Ngãi nói chung, xã Phổ Quang nói riêng

Đồng vốn nhỏ xây ước mơ

Với nguồn vốn vay từ chương trình cho vay hộ nghèo, gia đình chị Nguyễn Thị Diễm Kiều ở thôn Bàn An đã đầu tư vào chăn nuôi, kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Từ cơ sở ban đầu đó, gia đình chị đã mở rộng chuồng trại và sau nhiều năm chăn nuôi có lãi, không những chị đã trả được nợ vay, thoát nghèo mà còn sắm được máy xay xát gạo, có được việc làm ổn định.

Cách đó không xa, ở thôn Hải Tân, gia đình chị Trần Thị Bích Diễn vay được một khoản tiền từ chương trình giải quyết việc làm để đầu tư mua một máy ép nước mía và một tủ tạp hóa. Từ nguồn vốn ít ỏi và sự chắt chiu, chịu khó, đến nay chị đã có một cửa hàng tạp hóa nhỏ, kinh tế gia đình phát triển, con cái có điều kiện học hành.

Còn gia đình anh Huỳnh Nơi ở thôn Phần Thất thuộc đối tượng hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng bằng nguồn vốn vay từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên và sự chịu thương chịu khó, anh chị đã nuôi 4 con ăn học đến nơi đến chốn. Giờ tài sản lớn nhất của anh chị chính là một cháu là kỹ sư thiết kế tàu hàng hải, một cháu tốt nghiệp trường Đại học Nha Trang, một cháu hiện đang là sinh viên trường Cao đẳng Điện lực miền Trung và một cháu đang học tại trường Trung học phổ thông Đức Phổ 1. Anh chị đã và đang thực hiện ước mơ học tập cho con mình…

Qua 10 năm triển khai thực hiện, chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã Phổ Quang đã đạt hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay gần 13 tỷ đồng. Toàn xã có 19 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 712 hội viên vay vốn, số dư tiền gửi tiết kiệm 300 triệu đồng, hàng năm thu hút từ 100 - 150 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, tỷ lệ quá hạn thấp dưới 1%, nhiều năm liền không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, nợ chiếm dụng.

Yếu tố quan trọng: nỗ lực vươn lên của mỗi người dân

Bà Phạm Thị Mỹ Ngãi - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang cho biết, vốn là xã bãi ngang gặp nhiều khó khăn, nên từ khi NHCSXH thành lập, triển khai tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác, UBND xã đã coi đây là một trong những chỗ dựa tin cậy để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương.

Chính vì thế, UBND xã đã chỉ đạo Ban giảm nghèo xác nhận chính xác đối tượng được vay vốn, phối hợp với các hội, đoàn thể, Trưởng thôn rà soát bổ sung kịp thời những hộ do thiên tai bão lũ, dịch bệnh và danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm cơ sở xác nhận danh sách đề nghị NHCSXH cho vay, tạo điều kiện cho hộ nghèo có điều kiện vay vốn sản xuất vươn lên thoát nghèo. Việc xã xét duyệt, xác nhận danh sách hộ có nhu cầu vay vốn được thực hiện một cách chặt chẽ, dân chủ, công khai từ cơ sở các thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng từng chương trình tín dụng ưu đãi, chỉ đạo Ban giảm nghèo phối hợp với NHCSXH huyện, hội, đoàn thể nhận ủy thác để kiểm tra việc sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi nợ, giám sát hoạt động của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, đôn đốc việc xử lý hộ vay quá hạn, khó đòi. Định kỳ hàng tháng, Ban giảm nghèo cùng với Tổ giao dịch lưu động của NHCSXH huyện tổ chức họp giao ban với các đơn vị thực hiện ủy thác và các Tổ tiết kiệm và vay vốn về trả nợ gốc, lãi tiền vay, đánh giá kết quả hoạt động trong tháng, triển khai nhiệm vụ tháng tiếp theo. Các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hàng năm đều được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ nên không bị lúng túng và bị động, cũng như không để xảy ra các vấn đề tiêu cực khác. Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp với MTTQ xã và các hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với Trung tâm khuyên nông và trường Trung cấp nghề Đức Phổ tập huấn về kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi cho bà con nông dân, phối hợp với Trung tâm nước sạch và các công trình phụ trong sinh hoạt để hướng dẫn bà con xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn quốc gia bằng nguồn vốn tự có và nguồn vốn vay từ NHCSXH.

“Đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm của NHCSXH huyện Đức Phổ với những cán bộ tận tâm, tận tụy, có trách nhiệm với công việc, gần dân, sát dân, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, có hiệu quả của các hội, đoàn thể và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn - bà Phạm Thị Mỹ Ngãi, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang nói - Đặc biệt, một số yếu tố không thể không nhắc đến đó là sự nỗ lực và ý chí vươn lên của các hộ được vay vốn đã quyết tâm vượt qua khó khăn, đói nghèo cùng với sự hỗ trợ của xã hội đã cải thiện được đời sống, xóa nghèo, góp phần ổn định về an sinh xã hội tại địa phương”.

Bách Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác