Góp sức cùng Đô Lương “cất cánh”
Đa dạng hóa nguồn lực
Đô Lương đang trên đường đô thị hóa. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày một tăng của khách hàng, hàng năm ngoài tranh thủ nguồn vốn Trung ương, vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, NHCSXH huyện Đô Lương đã đa dạng hóa nguồn lực trên địa bàn. Tính đến hết tháng 4/2021, đơn vị đã đạt tổng nguồn vốn trên 510 tỷ đồng, tăng 34,3 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 397,6 tỷ đồng (tăng hơn 31 tỷ so đầu năm), còn lại nguồn vốn địa phương (112,4 tỷ đồng). Trong nguồn vốn địa phương, ngân sách của tỉnh và huyện ủy thác 6 tỷ đồng, huy động tiền gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn 106,4 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Anh Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương đánh giá: Hai năm nay do ảnh hưởng của mưa lũ miền Trung, dịch Covid-19 đe dọa nên tình hình SXKD trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, nông sản khó tiêu thụ nhưng mọi nguồn vốn huy động phục vụ tín dụng chính sách đều tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng. Ngoài sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ ngân hàng; ý thức, trách nhiệm sử dụng vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách được nâng cao, từ việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, đến việc tiết kiệm, trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Bà Trần Thị Biện, 65 tuổi, xã Lam Sơn, chồng mất khi con còn nhỏ. Hai mẹ con ở trong căn lều tạm. Hàng ngày bà đi làm thuê, cuốc mướn mong đủ ăn. Năm 2018, được xã “bán chịu” cho một mảnh đất, NHCSXH huyện cho vay 25 triệu đồng làm “vốn mồi”, quỹ “Mái ấm tình thương” hỗ trợ 20 triệu đồng, chính quyền, đoàn thể, bà con chòm xóm giúp đỡ xây được ngôi nhà ngói rộng 35m2. Ngày vào nhà mới hai mẹ con cứ ngỡ như trong mơ. Vui hơn, bà Biện còn được NHCSXH tiếp sức, cho vay tiếp mua một cặp bò sinh sản. Lâu nay thành thói quen, cứ mỗi khi ai thuê làm công, bà nghĩ ngay tới việc dành ra 30 - 50 ngàn đồng gửi tiết kiệm, “góp gió thành bão” trả nợ ngân hàng. Con trai bà cũng đã tìm được việc làm, thỉnh thoảng gửi tiền về cho mẹ trả nợ dần. “Đây cũng là trách nhiệm với cộng đồng. Mình vay, còn để người khác vay!”, bà Biện nói.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Như đã thành truyền thống, năm nào cũng vậy NHCSXH Đô Lương luôn hoàn thành kế hoạch năm. Hết tháng 4/2021, đạt dư nợ gần 509 tỷ đồng, so đầu năm tăng trên 33,6 tỷ đồng, với 11.200 khách hàng còn dư nợ; đạt 89,62% kế hoạch năm. Trong 14 chương trình cho vay, một số chương trình có dư nợ lớn, như: cho vay hộ mới thoát nghèo trên 172,5 tỷ đồng; hộ cận nghèo gần 128 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gần 94 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn hơn 44 tỷ đồng, HSSV có hoàn cảnh khó khăn 26,7 tỷ đồng…
Gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở xóm 4, xã Đại Sơn, có 6 người, gồm bố, mẹ và 4 người con, thuộc diện cận nghèo. Chồng ốm đau thường xuyên, lấy tiền đâu để bà Liên nuôi hai cô con gái đang học trường Đại học Bách khoa và Đại học Ngoại ngữ tại Đà Nẵng; hai người con sau đang là học sinh phổ thông? Trả lời câu hỏi của nhiều người, bà Liên cho biết: năm 2016 và 2018 hai cô con gái lần lượt thi đậu đại học, được sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ, NHCSXH huyện cho vay chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, gia đình có dư nợ 97,5 triệu đồng. “Không có tín dụng chính sách hai cháu không thể bước chân vào trường đại học”, bà Liên khẳng định.
Ông Nguyễn Hữu Kỳ - Giám đốc NHCSXH huyện Đô Lương bổ sung: bà Liên chỉ là 1 trong hơn 800 gia đình trong huyện có hoàn cảnh khó khăn, được vay vốn tín dụng chính sách cho con em đến trường cao đẳng, đại học. Ngoài vay vốn cho con đi học, năm 2017 cũng qua Hội Phụ nữ, gia đình bà Liên còn được vay 30 triệu đồng. Có vốn, bà mua một con trâu, đến nay gia đình đã có 3 con trâu - một gia tài đáng kể của hộ nghèo. Để chủ động nguồn thức ăn nuôi đàn trâu, 2 con lợn và đàn gà hàng chục con, gia đình trồng cỏ voi, trồng ngô.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XXI nhiệm kỳ 2021 - 2025 của huyện Đô Lương đề ra mục tiêu: Đến năm 2023 đạt huyện nông thôn mới; năm 2025 trở thành huyện mạnh về kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển, tiến tới thành lập thị xã Đô Lương. Hộ nghèo đang thu hẹp dần, vốn vay cho giải quyết việc làm, sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn ngày càng lớn và cấp thiết. Đây là bài toán mới, cần sự hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương và vốn ủy thác của địa phương, để tín dụng chính sách góp sức tích cực cùng Đô Lương cất cánh, bước vào thời kỳ đô thị hóa, thành khu vực trung tâm thương mại - dịch vụ của miền tây xứ Nghệ.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Các tin bài khác
- » Thái Nguyên phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
- » Chuyển động mới về tín dụng chính sách ở Sơn La
- » Kịp thời giải ngân hỗ trợ gia đình khó khăn
- » Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn
- » Giúp dân thoát nghèo từ vốn chính sách
- » Cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang
- » Điểm tựa vững chắc cho người nghèo
- » Hưng Yên nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”
- » Bạc Liêu tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Khởi sắc vùng duyên hải - biên thùy Kiên Giang