Phum sóc “thay áo mới”

21/11/2014
(VBSP News) Tỉnh Sóc Trăng có diện tích tự nhiên 3.311km2, dân số trên 1,3 triệu người, trong đó có gần 31% là đồng bào dân tộc Khmer. Những năm gần đây, được Đảng, Nhà nước quan tâm, thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ đời sống đồng bào đang đổi thay nhanh chóng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng đồng bào Khmer đã đổi khác.
Hộ nghèo Khmer được NHCSXH cho vay vốn nuôi bò sữa giảm nghèo

Hộ nghèo Khmer được NHCSXH cho vay vốn nuôi bò sữa giảm nghèo

Thành công từ mô hình nuôi bò sữa      

Nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bò sữa là vật nuôi giảm nghèo nhanh của nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer nghèo. Từ nuôi bò sữa nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá, cho thu nhập ổn định. Đây là hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Minh chứng trước hết là thành công của các mô hình chăn nuôi bò sữa của Hợp tác xã bò sữa Sóc Trăng. Năm 2004, có 477 con, đến nay toàn tỉnh có đàn bò sữa trên 4.700 con, sản lượng sữa đạt 16 tấn/ngày, thu nhập bình quân 45 - 50 triệu đồng/con/năm. Để trở thành thành viên Hợp tác xã, anh Trần Văn Chiến ở ấp An Hòa 2, xã Thạnh Thới, huyện Trần Đề, cho biết: Người nuôi bò sữa được tập huấn 10 ngày tại các hộ đang nuôi bò sữa trong tỉnh. Mặt khác, Hợp tác xã triển khai dự án phải thực hiện theo trình tự, từ cách chọn giống cỏ, trồng cỏ, làm chuồng sau 2 tháng mới bắt đầu nuôi bò, cách chăm sóc, vắt sữa, cho bò sinh sản ra sao.

Hiện nay, anh Chiến đang nuôi 8 con bò đang cho sữa, thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giàu của ấp.

Theo ông Trần Hoàng Anh - Giám đốc Hợp tác xã bò sữa Sóc Trăng: “Từ ngày NHCSXH tăng mức cho vay, hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc Khmer được tiếp thêm sức chăn nuôi bò sữa”.

Như gia đình bà Trần Thị Ươl, ngụ ở ấp Tiếp Nhựt, xã Viên An, huyện Bồ Đề, quanh năm dựa vào 3 sào ruộng, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cái đói, cái nghèo vẫn bám chặt sau lưng. Thông qua Hội Nông dân xã gia đình bà được vay 30 triệu đồng chương trình tín dụng hộ cận nghèo. Có vốn trong tay, vợ chồng quyết định mua 1 con bò sữa về nuôi để mong cuộc sống ổn định hơn.

Đến tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Những năm gần đây bà con Khmer ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành liên tiếp được mùa, năng suất lúa đạt 8 - 9 tấn/ha. Về nguyên nhân trúng mùa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lý Konh cho biết: “Nhờ bà con hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ cho cái nhà để an cư lạc nghiệp và quan trọng nhất là bà con trong xã tham gia cánh đồng mẫu lớn. Việc vận động bà con trong ấp làm cánh đồng mẫu lớn lúc đầu gian nan lắm. Vì bà con mình quen canh tác theo lối cũ, nhỏ lẻ, chỉ quen “cầm tay, chỉ việc” nên xã phải mời cán bộ khuyến nông tập huấn, giảng dạy cho người dân biết cách làm. Đến khi thu hoạch, tay được sờ vào từng bông lúa sai hạt, trĩu bông dân mới tin, làm theo. Hiện, với hơn 100 mô hình Hợp tác xã và hơn 2.000 câu lạc bộ khuyến nông đã giúp hàng ngàn hộ đồng bào DTTS không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Trong các mô hình sản xuất hiệu quả, điểm sáng nhất là mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Viên Bình, huyện Trần Đề. Theo ông Trần Nhênh - một nông dân thành công từ mô hình cánh đồng mẫu lớn, thì mô hình này được bà con dân tộc Khmer nhiệt tình tham gia ngay từ lúc đầu làm thí điểm. Diện tích cánh đồng mẫu lớn tăng từng năm, thu hút cả nghìn hộ. Chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2013 - 2014, diện tích cánh đồng mẫu lớn của xã tăng lên 2.200ha. Để giúp bà con làm ăn hiệu quả, các Hợp tác xã đã được Nhà nước đầu tư tạo điều kiện thuận lợi trong khâu tiêu thụ, từng bước tạo liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Cánh đồng mẫu lớn làm thay đổi lối sản xuất cố hữu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của đồng bào DTTS, giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập, an tâm trong sản xuất. Từ hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn, số hộ nghèo đồng bào Khmer giảm mạnh, bộ mặt phum sóc đã đổi thay.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác