Cần vốn ưu đãi để thoát nghèo bền vững

20/11/2014
(VBSP News) Hầu hết mô hình sản xuất, kinh doanh của các hộ dân mới thoát nghèo ở tỉnh Hậu Giang đều là mô hình kinh tế nhỏ lẻ và không ổn định. Nếu không có vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất thì các hộ mới thoát nghèo rất dễ tái nghèo.
Chị em phụ nữ thuộc các hộ mới thoát nghèo tại tỉnh Hậu Giang rất cần vốn ưu đãi mở rộng sản xuất

Chị em phụ nữ thuộc các hộ mới thoát nghèo tại tỉnh Hậu Giang rất cần vốn ưu đãi mở rộng sản xuất

Lo tái nghèo

Chị Võ Thị Hồng The - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Hiệp, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp cho biết, đa số các hộ mới thoát nghèo đều sống bằng nghề nuôi lợn, gà, vịt với quy mô nhỏ lẻ và không có nhiều ruộng đất để canh tác. Mỗi chị chỉ nuôi được vài con lợn, vài trăm con vịt hay gà nhưng lại phải trang trải tất cả chi tiêu trong gia đình. Đó là khi làm ăn thuận lợi, còn những trường hợp làm ăn thất bại thì chuyện tái nghèo là đương nhiên.

Câu chuyện về gia đình chị Võ Thị Nhanh ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp là một điển hình. Không có ruộng đất nhưng hai vợ chồng chị phải nuôi 3 người con đang tuổi ăn, tuổi học. Kinh tế gia đình dựa vào đàn vịt trên 1.000 con. Chị Nhanh tâm sự: “Ba đứa con, đứa lớn đang học lớp 7, đứa học lớp 5, đứa nhỏ nhất năm sau vào mẫu giáo nên vợ chồng tôi làm quần quật cũng đâu có đủ ăn. Con đi học càng cao thì tiền càng phải lo nhiều mà nếu muốn tăng gia sản xuất cứ đi vay bên ngoài lãi suất cao lắm”. Sự trăn trở về cuộc sống gia đình của chị Nhanh là có căn cứ vì nếu tính cho con học đến lớp 12 thì vợ chồng chị cũng phải làm khoảng chục năm nữa, còn học đại học thì chắc trên 15 năm. Chị Nhanh cần được vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho gia đình.

Có hoàn cảnh tương tự gia đình chị Nhanh, chị Nguyễn Thị Bé Năm ở cùng ấp Tân Hiệp cho biết: “Nhà tôi có 3 sào ruộng nhưng làm một năm đâu có lời nhiều. Tôi cũng muốn nuôi lợn phụ trợ thêm mà không có vốn mua con giống. Nguồn thu nhập của gia đình chỉ dựa vào đồng ruộng nên hết sức bấp bênh”. Qua trò chuyện, chúng tôi thấy chị Năm mong muốn phát triển mô hình nuôi lợn nhưng chưa có vốn đầu tư mua con giống và xây dựng chuồng trại chăn nuôi.

Cần có vốn

Thoát nghèo đã 2 năm nay nhưng kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A vẫn rất khó khăn. Công việc của chị là đan nón lá bán mỗi ngày được khoảng 50.000 đồng. Chị Lan kể: “Công việc lúc có, lúc không do tôi không đủ tiền mua nguyên vật liệu nên không đảm bảo thu nhập. Tôi cần được vay vốn ưu đãi để mua vật liệu phục vụ cho sản xuất, có như thế kinh tế gia đình mới ổn định hơn”. Chị Lan mong muốn được vay vốn ưu đãi mua thêm vật liệu để phục vụ sản xuất và thu mua nón lá bán cho các chợ đầu mối, có như vậy, kinh tế gia đình chị mới khá lên được, nhưng hiện tại, chị chưa thể tiếp cận với nguồn vốn vay ở NHCSXH vì không thuộc đối tượng được thụ hưởng theo quy định của Chính phủ.

“Nếu được vay vốn ưu đãi, các hộ mới thoát nghèo có thể phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống và thoát nghèo bền vững”, bà Trần Thị Thu Ba - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp So Đũa Lớn tâm sự.

Bài và ảnh Hồng Diễm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác