Quảng Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a

10/11/2014
(VBSP News) “Có thể thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a với sự đồng thuận cao từ các cấp, sự hưởng ứng của người dân, sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đưa các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đến từng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; giúp họ tạo ra sinh kế và động lực vươn lên thoát nghèo”, ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết.
Trồng sâm Ngọc Linh đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân Nam Trà My

Trồng sâm Ngọc Linh đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân Nam Trà My

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó có 3 huyện 30a là Phước Sơn, Nam Trà My và Tây Giang nằm trong “top” 62 huyện nghèo của cả nước.  Với dân số gần 130 nghìn người, chủ yếu các dân tộc Cơ Tu, Co, Ca Dong, Xê Đăng… những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở miền núi có những chuyển biến tích cực. Tháng 9 vừa qua,  Đoàn kiểm tra Trung ương đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Theo báo cáo của tỉnh, 5 năm qua (2008 - 2013) Quảng Nam được Chính phủ đầu tư giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo hơn 1.550 tỷ đồng, riêng 3 huyện 30a được đầu tư hơn 598,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đó, tỉnh đã triển khai chính sách giao khoán chăm sóc, baỏ vệ hơn 37.000ha rừng; hỗ trợ 752 tấn lương thực cho hơn 10 nghìn hộ nghèo ở các thôn, bản vùng giáp biên giới trong thời gian chưa tự túc được lương thực; hỗ trợ khai hoang phục hóa được 57ha; phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Qua đó, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: nuôi cá lồng tại lồng hồ thủy điện sông Tranh 2 (Bắc Trà My); trồng cây đẳng sâm, ba kích, chăn nuôi gia súc tập trung (Tây Giang); trồng sâm Ngọc Linh, cây bời lời đỏ (Nam Trà My); phát triển cây cao su tiểu điền (Phước Sơn, Nông Sơn, Đông Giang)…

Theo bà Lê Thị Thủy - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Quảng Nam, hiệu quả từ các mô hình kinh tế trọng điểm được đầu tư ở miền núi đã mở hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng chính nội lực của mình. Cùng với đó, trong những năm qua tỉnh Quảng Nam cũng đã tạo điều kiện để các huyện nghèo đưa gần 700 lao động đi làm việc tại Malayxia, Hàn Quốc… Giúp hộ nghèo có việc làm, tăng thu nhập, tạo nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo.

Đối với chính sách, cơ chế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở thôn, bản, xã và huyện khó khăn, từ nguồn vốn được phân bổ, 5 năm qua các huyện nghèo đã được đầu tư xây dựng 523 công trình thiết yếu (điện, đường, trường, trạm); giúp 3.600 hộ xây mới, sửa chữa nhà cửa, tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội miền núi, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, giao thương hàng hóa. Qua đó, giảm dần khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi. Chỉ riêng huyện Đông Giang, đến nay 100% thôn, xã có công trình nước sinh hoạt; 98,5% số hộ  sử dụng điện; 11/11 xã, thị trấn có đường ô tô về đến khu vực trung tâm.

Cùng với Trung ương, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành cơ chế hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của tỉnh, như: cấp miễn phí thẻ BHYT cho hộ cận nghèo; cấp bù 50% học phí cho HSSV nghèo ngoài đối tượng được Trung ương hỗ trợ; hỗ trợ 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo; cán bộ giảm nghèo cấp xã được hưởng phụ cấp hàng tháng là 30% mức tiền lương cơ sở; bố trí mỗi năm 15 tỷ đồng giúp các huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% nhưng chưa được hưởng cơ chế 30a…

Đồng hành cùng chương trình 30a, theo báo cáo của NHCSXH tỉnh Quảng Nam, tổng nguồn vốn đến nay đạt trên 3.160 tỷ đồng, tăng gần 66 tỷ đồng so với năm 2013; tổng dư nợ đạt gần 3.145 tỷ đồng, tăng trưởng dư nợ tập trung vào một số chương trình, như: cho vay hộ cận nghèo, hộ nghèo, NS&VSMTNT, cho vay dự án WB3… Nguồn tín dụng chính sách đã góp sức cùng tỉnh Quảng Nam đạt được nhiều mục tiêu của Nghị quyết 30a, như: giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo từ 4% trở lên; về cơ bản không còn hộ ở nhà tạm; trợ cấp lương thực cho người dân ở thôn, bản vùng biên giới để đảm bảo đời sống; tạo được sự chuyển biến trong sản xuất nông, lâm nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.

Có thể nói, với những chương trình, chính sách từ Nghị quyết 30a đã tạo đà cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong 5 năm tới, Quảng Nam phấn đấu giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc 6% - 7%/năm, đến năm 2020 có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài và ảnh Khánh Hồ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác