Cổ tích thời nay trên đỉnh núi đá Tả Phìn

25/01/2014
(VBSP News) Câu chuyện trên đỉnh núi đá Tả Phìn quanh năm sương mù bao phủ, có một tỷ phú chân đất, người Dao, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Thoạt nghe như một câu chuyện cổ tích, ít ai tin. Nhưng, đó là một câu chuyện có thật. Đúng là chuyện cổ tích, nhưng cổ tích của thời nay.
Tẩn A Sếnh (áo nâu) cùng người dân địa phương sản xuất gạch

Tẩn A Sếnh (áo nâu) cùng người dân địa phương sản xuất gạch

Sinh ra từ vùng đất khó khăn

Tả Phìn, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) là một vùng đất miền biên ải, nơi cuối trời Tây Bắc, với độ cao trên 1.600m so với mực nước biển. Khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, núi non trùng điệp, chủ yếu là khe sâu, núi đá dốc là “đặc sản” của quê hương Tẩn A Sếnh. Anh Sếnh sinh năm 1984, ở bản Sèng Lảng, xã Tả Phìn. Xã anh có 11 bản với 2 dân tộc cùng chung sống là Mông và Dao. A Sếnh sinh ra trong một gia đình nghèo, có tới 6 người con. Cũng như bao gia đình người Mông, người Dao ở Tả Phìn, cuộc sống của gia đình Sếnh sắn, ngô đắp đổi qua ngày. Khác với những đứa trẻ cùng trang lứa, cuộc sống đói khổ đã rèn cho Sếnh tính tự lập, gan dạ của một cậu bé vùng cao, sớm có tình thương và trách nhiệm với gia đình. Sếnh kể: “Là con đầu trong gia đình, khi nhìn thấy cả nhà đói ăn, các em gầy gò, đen đúa bên hai cái nồi sắn em thấy thương và buồn lắm. Buồn vì bất lực, không giúp được gì cho cha mẹ để cả nhà phải sống trong khốn khó. Học xong lớp 6, sau bữa ăn tối em nói với cha mẹ xin được nghỉ học, với lý do rất cụ thể là để lo làm ruộng, nương và đi làm thuê kiếm cái ăn, phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Ban đầu bố mẹ không đồng ý, nhưng nhìn thấy em quyết tâm bố mẹ chỉ biết im lặng”.

Nếu được cắp sách đến trường là trang một, thì đây là trang hai của cuộc đời Tẩn A Sếnh. Trên đỉnh mờ sương, đất ít, đá nhiều, tuổi nhỏ nhưng chí không nhỏ, hết đi làm thuê đến bám rừng, bám bản Sếnh đều thất bại. Đổi lại được chút niềm vui nho nhỏ: gia đình có cái ăn, các em có cái mặc, được cắp sách đến trường biết thêm con chữ.

Không cam phận nghèo

Năm 2002, Tẩn A Sếnh xây dựng gia đình. Gia tài bố mẹ cho người con trai đầu ra ở riêng là 3 bao thóc và mấy cái nồi cũ. Với 1 triệu đồng tích cóp được, hai vợ chồng làm vốn khởi nghiệp, bằng cách xuống thị trấn Sìn Hồ “cất hàng” đi bán cho đồng bào dân tộc ở các bản vùng sâu, vùng xa trong vùng. Ở xã vùng cao Tả Phìn, người dân ai cũng nghèo, cũng khổ, đường sá đi lại khó khăn. Gọi là đường nhưng thực chất là những lối mòn bà con đi lâu thành đường, trời nắng thì bụi, trời mưa thì trơn trượt. Cuộc sống tự cung, tự cấp, mấy thứ vợ chồng A Sếnh mang bán cho bà con dân bản là kim chỉ, quần áo, bánh kẹo. Tích cóp từng đồng, sau nhiều năm lăn lộn, cuộc sống hai vợ chồng cũng không khấm khá lên được. Ngược lại, càng khó khăn hơn khi những đứa con lần lượt ra đời. Gánh nặng đè lên vai Sếnh. Vì vậy, hễ có ai gọi việc gì là anh đi làm, hết việc gần lại theo đám thanh niên bản đi xa, làm thuê cho các công trường xây dựng. Nhưng, cái nghèo, cái khó vẫn không buông tha, cứ bám sát sau lưng anh.

Tẩn A Sếnh là một thanh niên đầy ý chí, không cam phận nghèo, không đầu hàng hoàn cảnh, hết kế sách này đến kế sách khác anh bươn chải để thoát nghèo. Qua Đoàn Thanh niên, anh được biết, được nghe nhiều thanh niên vượt lên chính mình lập thân, lập nghiệp ngay trên chính quê hương. Sau nhiều ngày nghiên cứu, suy nghĩ, anh bàn bạc với vợ bám các triền núi đá làm ăn. Ý tưởng của anh được Đoàn Thanh niên ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để anh được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Và, thêm một lần anh được tiếp sức. NHCSXH, cho vay 30 triệu đồng vốn vay chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Vốn vay ngân hàng, cộng với hơn 10 triệu đồng tiết kiệm lâu nay, anh đầu tư mua 10 con bò về nuôi. Nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm huyện, anh có thêm kiến thức chăn nuôi bò. Đất nghèo không phụ công người vất vả, đàn bò cứ lớn và sinh sản đều hàng năm. Sau hơn 4 năm, đàn bò của anh phát triển lên trên 40 con. Học được cách đề phòng dịch bệnh, giá rét gây thiệt hại cho đàn bò, anh bỏ “độc canh” trong chăn nuôi. Để chia sẻ rủi ro, anh bán bớt bò mua thêm 5 con ngựa, 12 con dê về nuôi. Theo sự phát triển của đàn gia súc, thu nhập của gia đình Sếnh ngày càng ổn định.

Năm 2010, không dừng lại “bến đỗ” phát triển chăn nuôi đại gia súc, mấy năm gần đây từ những chương trình xóa nghèo của Chính phủ, rầm rộ phong trào xoá nhà tranh tre tạm bợ, Tẩn A Sếnh thấy người dân trong vùng có nhu cầu lớn về gạch xây dựng. Anh bàn với vợ bán bớt bò lấy tiền mua máy sản xuất gạch bằng xi măng.

Lượng sức mình “leo thang” từng bước. Trong lúc nhiều “đại gia” ở vùng núi đá “thất cơ lỡ vận” vì cơn bão suy thoái kinh tế, thì Tẩn A Sếnh lại tìm cách khép kín một qui trình: Từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Anh đầu tư tiền mua ô tô tải, chở sản phẩm gạch, đá của mình làm ra đến tận chân công trình.

Từ “công trường” bãi đá, nơi sản xuất gạch và đàn bò, ngựa, dê chăn thả ven triền núi, nhiều năm nay Tẩn A Sếnh đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động, với mức lương từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng/người, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên trong bản Sèng Lảng, xã Tả Phìn.

Nói về Tẩn A Sếnh, Phó Bí thư Huyện đoàn Sìn Hồ Đông Minh Thắng, tự hào: “A Sếnh đã làm rạng danh tuổi trẻ Sìn Hồ bởi nghị lực vượt khó làm giàu”. Anh Thắng cho biết thêm: Hiện nay, Huyện đoàn Sìn Hồ đạt tổng dư nợ của NHCSXH trên 12 tỷ đồng, với 30 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 717 hộ vay. Trong đó, Tẩn A Sếnh là điển hình trong sử dụng vốn vay đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm 2012, Tẩn A Sếnh vinh dự được về Hà Nội nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác