Xã hội hóa nguồn vốn để phát triển bền vững NHCSXH

10/10/2014
(VBSP News) Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015; trong đó mục tiêu tổng quát của Chiến lược “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”.
Hàng triệu hộ nghèo đã thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi Ảnh: Bùi Hoàng Thủy - Báo Pháp luật Việt Nam

Hàng triệu hộ nghèo đã thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi
                                                                                                       Ảnh: Bùi Hoàng Thủy - Báo Pháp luật Việt Nam

NHCSXH có nhiệm vụ đặc thù là chuyển tải nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước tới các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH đã giải quyết cho hơn 21,4 triệu lượt đối tượng chính sách vay; giúp hơn 2,9 triệu hộ thoát nghèo và tạo hơn 2,7 triệu việc làm mới; hỗ trợ hơn ba triệu lượt HSSV nghèo vay vốn học tập; xây dựng hơn 4,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cùng hơn 500 nghìn căn nhà cho các hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách tại 100% số xã, phường, thị trấn trong cả nước.

Ðể góp phần hỗ trợ an sinh xã hội, giảm tới mức thấp nhất tình trạng tín dụng đen và tăng dư nợ tín dụng cả nước nói chung, cần tiếp tục mở rộng đối tượng và cải thiện điều kiện cho vay, thuận lợi và minh bạch hóa về lãi suất cho vay tiêu dùng những hộ nghèo và hộ cận nghèo, HSSV nghèo. Việc Chính phủ đồng ý cho NHCSXH nâng mức cho vay tối đa từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng/hộ vay và từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng cho vay công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ ngày 01/5/2014 là hướng đi đúng.

Ngoài phương thức trực tiếp cho vay, NHCSXH còn cho vay ủy thác qua “kênh” hội, đoàn thể như là một phương thức đặc thù. Hoạt động này mang lại hiệu quả toàn diện, không chỉ hỗ trợ giảm nghèo, mà còn góp phần củng cố vai trò và mối quan hệ chặt chẽ của các hội, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương với NHCSXH và với người vay…

Thực tế hoạt động của NHCSXH trong những năm qua cho thấy, ngân hàng đã thực sự sử dụng nguồn vốn hiệu quả, mang lại kết quả khả quan trong việc giảm nghèo và thực thi những chính sách lớn của Đảng và Chính phủ đối với những đối tượng chính sách trong cả nước.

Yêu cầu hiện nay là làm thế nào để duy trì và tạo nền móng vững chắc cho NHCSXH tiếp tục phát triển? Đặc biệt trong bối cảnh hệ thống các Ngân hàng thương mại Nhà nước đang phải đối mặt với những thách thức về chất lượng tài sản, lợi nhuận thấp và năng lực về vốn yếu. Để có thể mở rộng và nâng cao chất lượng nguồn vốn cho vay của NHCSXH một cách ổn định, tạo điều kiện cho NHCSXH phát triển bền vững cần thực thi đồng bộ các giải pháp sau.

Một là, Chính phủ cần cấp bổ sung vốn điều lệ; khuyến khích vốn ủy thác và vốn dành cho các chương trình an sinh xã hội; mở rộng phát hành trái phiếu và vay từ nguồn vốn ODA; giao định mức chi phí quản lý cho NHCSXH ổn định và nâng mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng;

Hai là, Chính phủ cần đưa ra những qui định cụ thể để gắn trách nhiệm của các Ngân hàng thương mại. Tại Điều 8 khoản 2, Nghị định 78/2002/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định: Các tổ chức tín dụng (TCTD) Nhà nước có trách nhiệm duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước. Tuy nhiên, trách nhiệm duy trì nguồn vốn cho NHCSXH hoạt động cần mở rộng đối với mọi TCTD trong và ngoài nước có hoạt động tại Việt Nam. Đối với mỗi đối tượng, Chính phủ cần có quy định cụ thể tỷ lệ.

Ba là, đối với các doanh nghiệp cổ phần, Nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần, Chính phủ cần có quy định tỷ lệ góp vốn đối với đối tượng này nhằm mở rộng xã hội hóa nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện những chủ chương lớn của Chính phủ liên quan đến đối tượng chính sách và người nghèo tại Việt Nam.

Bốn là, Chính phủ cần có chiến lược truyền thông rộng rãi để cho toàn xã hội thấy được việc không ngừng cải thiện chính sách cho vay qua NHCSXH cả về số lượng và chất lượng là trách nhiệm chung. Qua đó, có thể kêu gọi được các nguồn vốn rẻ hoặc nguồn vốn tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho hoạt động của NHCSXH.

Năm là, NHCSXH cần nâng cao năng lực và tự chủ tài chính của NHCSXH trên cơ sở đa dạng hóa nguồn vốn và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ. Qua đó, ngân hàng có thể tăng các nguồn thu từ dịch vụ và tăng nguồn vốn thông qua tiền gửi thanh toán. Đây là nguồn vốn rẻ và khá ổn định.

Bên cạnh đó, NHCSXH cần tạo dựng  hình ảnh, uy tín, thương hiệu không chỉ trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam mà còn vươn tầm quốc tế thông qua việc nâng cao năng lực quản trị điều hành; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin. Đây là cơ sở vững chắc giúp ngân hàng có được một kênh dẫn vốn từ cộng đồng quốc tế.

Với việc duy trì ổn định và nâng cao chất lượng nguồn vốn cấp tín dụng cho NHCSXH Việt Nam là một hướng đi đúng đắn của Chính phủ Việt Nam. Do vậy, đây là điều kiện tiên quyết giúp cho hoạt động của NHCSXH ngày càng được mở rộng, phát triển bền vững, là công cụ hỗ trợ thực hiện thành công những mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

TS. Phạm Hoài Bắc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác