Những ngày cuối tháng 6/2014, Đoàn phóng viên báo chí chúng tôi có dịp thực hiện chuyến tìm hiểu “hành trình tín dụng ưu đãi” ở tỉnh Thái Nguyên, nơi có vùng chè đặc sản nổi tiếng và rộng lớn nhất cả nước.
Tuy bận rộn công việc kiểm tra, đốc thúc các đơn vị thuộc NHCSXH tỉnh triển khai giải ngân các Chương trình tín dụng theo quy định mới về nâng mức cho vay và giảm lãi suất một số Chương trình tín dụng, kể cả việc khẩn trương bàn giao công tác quản lý, điều hành để nhận nhiệm vụ mới, bắt đầu từ ngày 01/7/2014. Nhưng Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên Đỗ Minh Hùng - một người gắn bó với mảnh đất này ròng rã 24 tháng qua và cũng đã có một số thành công được lãnh đạo, nhân dân vùng chè ghi nhận. Giám đốc tranh thủ thời gian gặp gỡ, trao đổi với chúng tôi “2 năm trở lại đây NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển động tích cực, vươn lên đổi mới về công tác tổ chức cán bộ, công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện, đặc biệt về sự tăng trưởng nguồn vốn và chất lượng tín dụng…”.
Đến hết tháng 6/2014 dư nợ đạt 2.095 tỷ đồng, nợ quá hạn chưa đến 0,06% so với tổng dư nợ. Hiệu quả đầu tư tín dụng ưu đãi rất rõ ràng, đã đánh thức vùng đất nghèo, tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp, dịch vụ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 13,76% năm 2012 xuống còn 11,6% năm 2013.
Theo chân anh Trần Trọng Quyết - Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ NHCSXH tỉnh, chúng tôi đến với huyện vùng cao Định Hóa. Nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nay còn đến 18/24 xã, thị trấn nằm trong diện đặc biệt khó khăn và số hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm trên 53% nhưng nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, của các Sở, ban ngành và chính quyền cấp xã, nhất là có 284 tỷ đồng nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đầu tư, đã làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày. Hàng nghìn hộ gia đình người dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu, Kinh… được tiếp cận thuận lợi, dễ dàng với nguồn vốn chính sách và đã sử dụng nguồn vốn vay vào mục đích trồng chè, phát triển kinh tế, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đến thăm gia đình chị Lý Thị Thêu và gia đình vợ chồng anh Hứa Văn Xoan chị Phùng Thị Điều ở thôn Bãi Bình, xã Bảo Cường hay nhà anh Ma Tử Hảo ở xã Sơn Phú và cơ sở chế biến lâm sản của chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn 2, xã Phú Tiến… Chúng tôi đã “mục sở thị” sự đổi đời của họ khi được nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH làm điểm tựa trong sản xuất, kinh doanh, vượt khó làm giàu.
Rời vùng cao Định Hóa, chúng tôi đi tiếp đến huyện trung du Đồng Hỷ, nơi đây có rất nhiều hộ nông dân nghèo sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH đầu tư phát triển nghề trồng chè để mỗi năm thu hái gần 3 vạn tấn chè búp tươi và sao chế được trên 600 tấn chè khô đặc sản, nước xanh, hương thơm, vị đậm.
Tại xã Minh Lập, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Trại Cài 1 Lê Đình Tấn cho biết: “Nông thôn giờ không còn đất trống, đồi trọc, nông dân cũng không còn nhút nhát, ngại ngần vay vốn NHCSXH như trước đây nữa. Toàn tổ hiện có 38/53 tổ viên sử dụng trên 700 triệu đồng vay của NHCSXH để trồng, thâm canh 247ha chè giống mới. Một số gia đình đồng bào dân tộc nhờ được tiếp sức của nguồn vốn ưu đãi đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mua sắm được cả xe ôtô bán tải chở hàng. Vừa qua, hộ nghèo, hộ cận nghèo của tổ rất phấn khởi được nâng mức vay và giảm lãi suất. Cây chè đã trở thành cây xóa nghèo, cây làm giàu ở vùng quê này, giúp các hộ gia đình nâng cao thu nhập, trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng đầy đủ, đúng kỳ hạn”.
Đến với vùng đất chè đặc sản Thái Nguyên, được tận mắt thấy, tai nghe những đổi thay lớn lao của vùng miền núi, dân tộc. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi thêm tin yêu những cán bộ NHCSXH cần mẫn với công việc thường ngày, đang hối hả chuyển nhanh, kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, bồi đắp cho miền đất chè no đủ, tươi vui mãi mãi. Phóng sự ảnh của Đông Dư và Trần Việt sẽ nói lên sự đổi thay đó.