Khi nắng hè gay gắt cũng là lúc những chùm quả vải thiều trĩu cành, đầy vườn chín rộ. Dường như được hấp thụ tinh hoa của trời đất và công sức, tiền vốn đầu tư của người lao động, quả vải thiều vùng Thanh Hà (Hải Dương) sau lớp vỏ hồng thắm là lớp cùi trong vắt về độ ngọt thơm, mát lành rất bổ dưỡng.
Năm nay, vải thiều Thanh Hà trúng mùa, ước tính toàn huyện thu hoạch trên 20 nghìn tấn quả trên diện tích 4.000ha. Nơi đây được mệnh danh là đất Tổ của cây vải thiều, với minh chứng hiển hiện một cây vải thân to, cành dài, tán rộng, sống trên 200 năm nay giữa thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn cùng ngôi miếu thờ người có công trồng cây vải đó là cụ Hoàng Văn Cơm mà chúng tôi may mắn vừa được ghé thăm và chụp ảnh kỷ niệm nhân chuyến công tác tại vùng vải Thanh Hà nổi tiếng.
Để góp phần gìn giữ, phát triển nghề truyền thống vải thiều cũng như mở rộng thị trường cho quả vải là loại quả ngon, đặc sản của Thanh Hà, các cấp, ngành thuộc tỉnh Hải Dương tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, chất lượng vải thiều Thanh Hà, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm vải thiều, đặc biệt coi trọng việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 12 xã trên 25 xã, thị trấn thuộc vùng vải chuyên canh của huyện Thanh Hà đều đã tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH triển khai thực hiện. Riêng xã Thanh Sơn - “cái nôi” của vùng chuyên canh vải, nơi có cây vải Tổ trên 200 năm tuổi đã đạt số dư nợ trên 10 tỷ đồng với NHCSXH huyện Thanh Hà. Số vốn vay ưu đãi đó chủ yếu được sử dụng vào xây dựng, phát triển các vườn vải lên đến 320ha, chiếm 100% diện tích đất nông nghiệp của xã.
Ông Trần Đức Loản - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: “Vụ vải thiều năm nay toàn xã đạt sản lượng khoảng 250 tấn. Nhiều hộ dân thu lãi từ vườn vải khoảng 100 - 150 triệu đồng, thoát khỏi cảnh nghèo, phấn chấn trả hết nợ vay cho NHCSXH”.
Gia đình ông Lê Văn Lệ ở thôn Thúy Lâm, phấn chấn nói: Cây vải thiều quê tôi thơm ngon có tiếng, được xem là thế mạnh nhà vườn Thanh Sơn. Chính gia đình tôi nhờ vay 20 triệu đồng từ Chương trình tín dụng hộ nghèo của NHCSXH năm 2008 để đầu tư cải tạo vườn vải, nuôi lợn nái mà thoát được nghèo. Vừa qua, tôi còn được Hội CCB xã giúp đỡ, Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay ưu đãi Chương trình tín dụng hộ cận nghèo và nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; mức vay cao hơn, lãi suất được giảm so với trước theo Quyết định mới của Chính phủ. Dân vùng vải Thanh Hà rất cảm ơn sự hỗ trợ vốn kịp thời, thiết thực của NHCSXH.
Vào những ngày này, ông Lệ cũng như nhiều chủ vườn vải ở Thanh Hà rất rộn ràng tất bật, người trèo cây hái quả, người xếp từng chùm vải vào thùng để chuẩn bị bán cho thương lái, hay chở đi nhập cho các đầu mối chuyển qua xe tải vận chuyển tiếp đi vào miền Trung, miền Nam hay các thành phố lớn miền Bắc.
Năm nay vải Thanh Hà được mùa, tuy giá hàng cuối mùa giảm nhẹ. Người trồng vải nơi đây phấn chấn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi theo mức vay mới được nâng lên mà lãi suất lại giảm đi để tiếp tục trồng vải thiều đảm bảo an toàn vệ sinh theo mô hình VietGAP, đưa cây vải thiều thành cây trồng chính, cây xóa nghèo, cây làm giàu trên vùng quê đồng bằng Bắc bộ.