Tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là kênh tạo ra xung lực trong xóa nghèo bền vững

16/10/2017
(VBSP News) Đó là đánh giá của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017 diễn ra vào chiều ngày 16/10/2017, tại Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của NHCSXH

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của NHCSXH

Điều hành Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Minh Hưng - Ủy viên TW Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH; đồng chí Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của NHCSXH

Đoàn chủ tịch điều hành Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đào Ngọc Dung - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH; Đỗ Văn Chiến - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Lại Xuân Môn - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Bùi Văn Nam - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lãnh đạo Ủy ban TW MTTQ Việt Nam; Ban Kinh tế TW; Ban Dân vận TW; Văn phòng TW Đảng; Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ban Dân nguyện của Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Kiểm toán Nhà nước; Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; Các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, NNo&PTNT, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Nội vụ, Tư pháp; Thanh tra Chính phủ; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; Ban Thi đua - Khen thưởng TW; Thành viên HĐQT NHCSXH; Ban chuyên gia tư vấn NHCSXH và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Công cụ chính sách hữu hiệu trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo

NHCSXH được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo, nhằm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Nhìn lại chặng đường 15 xây dựng và phát triển, Uỷ viên HĐQT - Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết: Trong những năm qua, được sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành TW, NHCSXH đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH phát biểu

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH phát biểu

Nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, tiết giảm chi phí, NHCSXH đã xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức màng lưới đến tất cả các tỉnh, huyện. Đặc biệt là việc xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên 10.974 Điểm giao dịch tại UBND các xã/phường. Đồng thời, phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và chính quyền các địa phương thành lập gần 190 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, ấp, bản, làng.

Không chỉ “phủ sóng” trong toàn quốc, 15 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã và đang lớn mạnh cả về chất và lượng. Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu vào năm 2003, đến nay NHCSXH đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng ưu đãi cùng nhiều chương trình từ nguồn vốn ủy thác của nước ngoài với tổng dư nợ đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ là 13.944 tỷ đồng, với gần 457 nghìn đối tượng đang dư nợ. Chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố và nâng cao, đến nay nợ quá hạn và nợ khoanh giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội 15 năm qua

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội 15 năm qua

Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, NHCSXH luôn bám sát thực tế, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định phù hợp, kịp thời để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ những chương trình tín dụng có tính chất hỗ trợ người dân không chỉ thoát nghèo mà là thoát nghèo bền vững như cho vay hộ cận nghèo (năm 2013), cho vay hộ mới thoát nghèo (năm 2015), đến các chính sách mang tính thời cuộc cấp thiết như các chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt ở miền Trung, làm nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL,…

“Hệ thống NHCSXH từ TW đến địa phương đã được hình thành với mô hình hoạt động hợp lý, có sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó đã thực hiện rất tốt công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Với cách làm này đã mang lại hiệu quả rất lớn từ việc sử dụng vốn của người dân và sức mạnh đồng vốn vay”, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, Lê Minh Hoan khẳng định.

Nguồn vốn tín dụng chính sách trong 15 năm qua đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới… qua đó giúp hơn 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH với doanh số cho vay đạt trên 433 nghìn tỷ đồng; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 528 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài… 

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25% cuối năm 2015.

Những kết quả tích cực trên một lần nữa được ghi nhận thông qua quá trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo của Quốc hội khóa 13: “Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một phần vốn cho hộ nghèo, đã tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những “Điểm sáng” trong thực hiện chính sách an sinh xã hội”.

Hệ thống chính trị - xã hội cùng vào cuộc

Những năm qua, mặc dù ngân sách Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng NHCSXH đã được Chính phủ quan tâm, bố trí cấp vốn Điều lệ, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

NHNN Việt Nam cũng ban hành các Thông tư hướng dẫn yêu cầu các TCTD Nhà nước thực hiện gửi tiền 2% tại NHCSXH tạo nguồn vốn dài hạn, ổn định cho NHCSXH. Hàng năm, NHCSXH cũng được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành phê duyệt hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để bổ sung nguồn vốn hoạt động cho NHCSXH.

NHCSXH cũng đã tập trung, đẩy mạnh khai thác các nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường, trong đó thực hiện tốt việc huy động tiết kiệm từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Cùng với đó là các nguồn ủy thác từ ngân sách các địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước để cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Đặc biệt, kể từ khi Ban Bí thư TW Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn này đã tăng lên rất mạnh.

Đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn đạt 179.120 tỷ đồng, tăng 172.098 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tính từ khi có Chỉ thị 40 đến nay đã tăng thêm 4.593 tỷ đồng (118% so với trước khi có Chỉ thị), đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 8.485 tỷ đồng.

Là một trong những tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố Hà Nội đầu mỗi giai đoạn là rất lớn Do vậy, tập trung bố trí vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố được coi là một giải pháp căn cơ. “Trong 15 năm qua, bình quân mỗi năm ngân sách địa phương bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn là 114 tỷ đồng, riêng trong hai năm thực hiện Chỉ thị số 40, bình quân mỗi năm chuyển 307 tỷ đồng. Dự kiến trong đầu quý IV/2017, thành phố sẽ cân đối, bổ sung thêm 250 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH để cho vay phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Lê Hồng Sơn cho biết.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Hoạt động tín dụng chính sách càng gia tăng hiệu ứng với việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội từ năm 2014 cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực thi, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội cuẩ, thay đổi nhận thức rõ rệt hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Chư Pah (Gia Lai), Trần Thị Kim Tuyến cho biết, từ việc nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của chương trình tín dụng chính sách trong thực hiện giảm nghèo, UBND huyện, Ban đại diện HĐQT NHCSXH đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH huyện hoạt động hiệu quả; chỉ đạo các ngành, các xã phối hợp tốt với NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, lồng ghép với các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, giảm nghèo bền vững, nông thôn mới,… nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững, trả lãi, gốc cho ngân hàng theo quy định. Mặt khác, để tạo điều kiện cho đối tượng thụ hưởng được vay vốn, trả nợ, trả lãi kịp thời, huyện đã xây dựng được mạng lưới Điểm giao dịch.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng khẳng định thông qua việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc tập hợp lực lượng, phát triển hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội; Thực hiện nhiệm vụ ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tham luận tại Hội nghị

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tham luận tại Hội nghị

Là một trong 4 đơn vị thực hiện hiệu quả hoạt động ủy thác cho vay vốn ưu đãi của NHCSXH, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: Hoạt động tín dụng ủy thác giúp các cấp hội đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên phụ nữ để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ nghèo, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện bình đẳng giới tốt hơn; đồng thời thông qua hoạt động ủy thác đã góp phần thu hút chị em tham gia tổ chức hội, góp phần củng cố, phát triển tổ chức hội vững mạnh.

Đồng vốn nở hoa

Sự chuyển động nhanh và mạnh của vốn tín dụng chính sách đến từng nhu cầu thiết yếu của người nghèo và đối tượng chính sách đã và đang hiện hữu trong từng vùng quê Việt, giúp nhiều gia đình từ thiếu ăn đến có “của ăn của để” như hộ bà Phạm Thị Thọ ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình). Từ một hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở chỉ là dựng tre lá ở tạm, một mình nuôi 03 con ăn học, nhưng nhờ ý chí quyết tâm vượt khó và được tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, “khởi nghiệp” từ 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo để chăn nuôi cùng vốn chương trình HSSV cho ba con học đại học, cho đến 50 triệu đồng vốn vay hộ mới thoát nghèo, đến nay gia đình bà Thọ đã có 3 con bò, hàng chục con lợn, hàng trăm con gà đẻ trứng cùng một cửa hàng kinh doanh chè khô và mua chè thành phẩm của các hộ gia đình trong xã về chế biến và đóng gói, bán tại nhà.

“Nhờ có nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi mà các con tôi đã được học Đại học và nay có công ăn việc làm ổn định. Hiện cháu lớn đang phụ giúp mẹ tiếp tục nuôi em ăn học và tích luỹ trả nợ cho ngân hàng, gia đình cũng có được nguồn vốn để SXKD từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Cảm ơn Chính phủ rất nhiều”, bà Thọ xúc động nói.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ tham luận tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ tham luận tại Hội nghị

Những đồng vốn chính sách không chỉ đem đến cho bà con điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mà còn trao cả tương lai tươi sáng cho con cái họ. “Đến nay, doanh số cho vay chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập đạt 59.318 tỷ đồng, với trên 3,5 triệu HSSV được vay vốn đi học. Chính sách tín dụng đối với HSSV có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội, sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết.

15 năm qua, tín dụng chính sách còn là đòn bẩy trong phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới. Là một xã đặc biệt khó khăn, nằm trong chương trình 135, thuộc huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), Đồn Đạc có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 65%, trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán còn nhiều lạc hậu, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, huyện đã có nhiều các chính sách ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS, vùng khó khăn, đầu tư lớn cho hệ thống hạ tầng, đặc biệt là các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để phát triển kinh tế hộ gia đình đã giúp cho đời sống của nhân dân trên địa bàn xã từng bước được nâng lên.

“Hiện nay có 70% số hộ gia đình tại xã Đồn Đạc được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH, bình quân mỗi hộ vay 47,7 triệu đồng. Qua 15 năm thực hiện đã góp phần giúp cho trên 400 hộ thoát nghèo, xã không còn hộ đói, 100% hộ dân ổn định SXKD tại chỗ, không còn hiện tượng đất đai bỏ hoang hóa. Dự kiến trong năm 2017, toàn xã sẽ có thêm trên 100 hộ thoát nghèo, khoảng 120 hộ có nhà xây mới, xã tiếp tục có bứt phá mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới”, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc Trần Văn Dũng chia sẻ.

Nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đã được triển khai thành công với kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính được đảm bảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các chương trình tín sách khác, nhất là chính sách tín dụng từng bước được hoàn thiện, chất lượng tín dụng được nâng lên.

“Hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng hiệu quả, chất lượng tín dụng không ngừng tăng lên. Có hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, đối tượng đến gần 7 triệu hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có dư nợ, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,81%  -  rất thấp so với NHTM khác, đấy là số liệu rất đáng mừng. Con số nợ quá hạn nói lên chất lượng, đối tượng cũng như cán bộ làm tín dụng chính sách ở cơ sở địa phương tận tâm, tận lực đối với tín dụng chính sách; đồng thời hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, nhất là Ban Bí thư TW Đảng đã có Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

NHCSXH tập trung khai thác tốt các nguồn vốn từ thị trường, được ngân sách cấp bù lãi suất, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, vốn tình nghĩa từ các tổ chức cá nhân, phát hành Trái phiếu Chính phủ, bảo lãnh nguồn từ ngân sách địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước quan tâm chuyển vốn ủy thác, đặc biệt là thực hiện tốt nhận tiết kiệm từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và giúp người nghèo từng bước tiếp cận với tín dụng ngân hàng. Đây là một sáng kiến của NHCSXH, cũng là biểu hiện trách nhiệm của việc huy động nguồn lực hợp pháp, ủy thác từ địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng đã đề cập một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của NHCSXH cần được Chính phủ và các cấp các ngành, địa phương, tổ chức chính trị -  xã hội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo xử lý, như: nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng; một số địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn cao, nhất là một số địa phương khu vực Tây Nam bộ; Sự kết hợp giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại chưa chặt chẽ nên chưa giúp hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn và thoát nghèo bền vững,…

Theo Thủ tướng, trong giai đoạn mới, CNH - HĐH có nhiều việc phải làm, nhưng nếu để người dân nghèo quá, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn quá, thì CNH, HĐH chưa thành công. “Đến lúc này, chúng ta còn 1,9 triệu hộ nghèo, 1,3 triệu hộ cận nghèo. Thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta có những thành công nhưng cũng còn nhiều tồn tại bất cập khi tiếp tục công việc khó khăn xóa đói, giảm nghèo, càng về cuối càng khó hơn. Chúng ta nói một năm giảm 1% - 1,5% bình quân, huyện vùng cao vùng sâu khoảng 4% năm. Và trong bối cảnh đó, tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là kênh tạo ra xung lực trong xóa nghèo bền vững”, Thủ tướng nói.

Đánh giá vai trò tín dụng chính sách quan trọng như thế trong công cuộc này, vì vậy, tín dụng chính sách, hay cán bộ tín dụng, hay hệ thống tín dụng chính sách phải gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của người vay vốn.

“NHCSXH có nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang vì trực tiếp đóng góp trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm  an sinh xã hội của nước ta”, Thủ tướng khẳng định.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị NHCSXH tiếp tục phát triển theo hướng ổn định bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại… tạo thuận lợi nhất để người nghèo tiếp cận dễ dàng với tín dụng chính sách xã hội.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng cường nguồn lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Lần đầu tiên Chính phủ đề nghị Quốc hội bố trí  21 nghìn tỷ đồng vốn trung hạn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

“Chính phủ quan niệm đầu tư cho người nghèo là đầu tư cho phát triển. Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, NHNN có giải pháp tăng cường nguồn lực cho NHCSXH nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo. Bố trí đủ nguồn vốn bằng nhiều biện pháp huy động phù hợp”, Thủ tướng nói.

Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đây là một yêu cầu. Thủ tướng đề nghị các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyện, không hoàn lại thông qua NHCSXH để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi tạo việc làm, ổn định đời sống, góp phần giảm nghèo, phát triển bền vững.

Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách, thực hiện tốt Chỉ thị số 40 và Quyết định 401 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các nhận dịch vụ ủy thác, định hướng sử dụng vốn cho hộ vay.

NHCSXH PHẤN ĐẤU 100% HỘ NGHÈO ĐƯỢC VAY VỐN

Trong thời gian tới, NHCSXH phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Bên cạnh đó, NHCSXH đặt mục tiêu dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ. Nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hàng năm tăng bình quân trên 20%.

Nhân dịp này, NHCSXH đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng thưởng; 20 tập thể và 09 cá nhân có thành tích xuất sắc cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho NHCSXH

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho NHCSXH

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc

Trang Giáp - Nhất Việt thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác