Ngôi nhà chung của người nghèo tròn 15 tuổi

16/10/2017
(VBSP News) Được Đảng tin tưởng; Quốc hội và Chính phủ ghi nhận, nhưng điều làm nên “thương hiệu” và cũng là động lực để các cán bộ NHCSXH “cháy” hết mình với công cuộc xóa đói, giảm nghèo lại chính là sự tin yêu, nghĩ theo, làm theo của hàng triệu người nghèo và đối tượng chính sách.

 

Trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, góp phần giúp trên giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, góp phần giúp trên giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Nhiệm vụ của chúng ta là không để ai bị bỏ lại phía sau”

Giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là những chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước nhằm không để ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện chủ trương quan trọng này, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó hỗ trợ tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách thông qua NHCSXH luôn được coi là một công cụ kinh tế hữu hiệu trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Suốt chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển, NHCSXH luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt trọng trách được giao, nhất là hỗ trợ tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội; đã tập trung các nguồn lực cho vay hơn 31,5 triệu lượt người nghèo, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; đóng góp thiết thực vào mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời, những kết quả này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay.

 

 

 

Những chiến binh thầm lặng

15 năm đi qua, cái đói đã được quét sạch nhưng các cán bộ tín dụng vẫn hằng ngày, hằng giờ đau đáu làm sao để bà con thoát nghèo bền vững. Các anh chị như những chiến binh, thầm lặng cống hiến, bền bỉ song hành cùng những thân phận yếu thế, mang những đồng vốn ưu đãi đến tận tay người nghèo, góp phần cùng chính quyền các cấp giảm trung bình 300 nghìn hộ nghèo mỗi năm…  

“Họ đã ở trong dân!” - Đó là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bùi Sĩ Lợi - một Đại biểu dân cử có gần cả cuộc đời công bộc gắn bó với lĩnh vực lao động - xã hội, luôn theo sát các đối tượng yếu thế, góp nhặt từng ý kiến hay, kinh nghiệm quý của thực tiễn cuộc sống để cùng Quốc hội xây dựng những chính sách có lợi nhất cho người nghèo và người lao động. Ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng, thành công lớn nhất của NHCSXH không chỉ là việc giúp hàng triệu hộ nghèo thoát nghèo, hàng triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được viết tiếp ước mơ học tập… mà nó nằm ở chỗ đã thay đổi được nhận thức của người nghèo, người DTTS và cả các cấp ủy Đảng, chính quyền trong cuộc chiến giảm nghèo.

Chẳng thế mà, chưa khi nào và chưa ở đâu, một dòng chảy tín dụng lại có thể đủ sức cuốn cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo nên một cuộc cách mạng trong giảm nghèo như dòng vốn tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện. Hãy nhìn vào bản đồ hoạt động với mạng lưới Điểm giao dịch, các Tổ tiết kiệm và vay vốn rộng khắp, bao phủ tới tận thôn, bản, xóm, làng trên toàn quốc; một bộ máy quản trị từ TW đến địa phương với sự tham gia của Thống đốc NHNN, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND, đại diện một số Bộ, ngành liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với đó là lực lượng cán bộ tín dụng chính sách tâm huyết, năng động, có thể đảm nhận nhiều “vai” cùng lúc, từ tuyên truyền, cho vay, hướng dẫn cách sử dụng vốn vay và thậm chí còn là “chị thanh tâm” để người nghèo dốc bầu tâm sự. Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ để nói lên sức mạnh, giá trị, uy tín và sự lan tỏa của vốn tín dụng chính sách cũng như những người đang chuyển tải dòng vốn này.

Câu chuyện về dân vận bầu cử của các cán bộ tín dụng chính sách Hà Tĩnh trong đợt bầu cử ĐBQH và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại điểm nóng Fomosa - Kỳ Anh vẫn thường được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc lại như một kinh nghiệm quý của những người làm tín dụng chính sách. Phó Thủ tướng cho rằng, nếu không đau nỗi đau của dân, không khổ nỗi khổ của dân và không đến với dân bằng cả tấm chân tình thì liệu các cán bộ tín dụng chính sách chi nhánh Hà Tĩnh có trở thành người duy nhất thuyết phục được bà con giáo dân ở Kỳ Anh đi bầu cử, hoàn thành nghĩa vụ công dân với đất nước? Phó Thủ tướng hy vọng, nét đẹp này sẽ được nhân rộng không chỉ trong hệ thống NHCSXH mà còn lan tỏa tới mọi lực lượng trong xã hội.

Canh cánh lòng khi dân còn nghèo

Trong câu chuyện kể về hành trình 15 năm hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng bỗng làm chúng tôi sững lại khi kể về hình ảnh một hộ nghèo ở miền núi Tương Dương, Nghệ An. Trong chuyến xe chở gạo cứu trợ và đi nắm tình hình hộ vay bị ảnh hưởng do lũ lụt ở địa phương này, ông đã bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ tất tả cắp hai con gà đi ngược chiều về phía chợ. Đến cuối buổi cứu trợ, ông gặp lại cái dáng tất tả ấy nhưng cặp gà thì không còn. Hỏi chuyện thì chị cho hay: “Hôm nay là ngày đến kỳ trả nợ cho NHCSXH nên bằng mọi giá tôi phải có tiền trả ngân hàng trước”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhớ lại.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, bởi có vay phải có trả; đến kỳ đáo hạn thì người vay phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ là chuyện đương nhiên. Song, hoàn cảnh của người phụ nữ ấy đã làm vị Tổng Giám đốc xúc động và cả cảm phục, bởi tất cả thành quả của vốn vay của NHCSXH đã tiêu theo dòng nước lũ, thứ còn lại có lẽ chính là hai con gà; cảm phục bởi, dù đang tột cùng của khó khăn, vất vả nhưng người phụ nữ nghèo ấy vẫn cố gắng thực hiện nghĩa vụ của người vay với ngân hàng. “Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ tiếp thêm nghị lực cho những cán bộ tín dụng chúng tôi bước tiếp cuộc hành trình gian nan này. Và, cũng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để chúng tôi cánh cánh trong lòng…”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nói.

Theo dòng Sê San, chúng tôi về với Gia Lai, nơi đồng bào dân tộc Ja Rai, E Đê, Bana… sinh sống để thấy sức sống của đồng vốn chính sách đang len lỏi tới khắp đại ngàn hùng vĩ. Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai Lê Văn Chí - người có nhiều năm làm việc tại NHNo&PTNT huyện trước khi chuyển sang Ngân hàng Phục vụ người nghèo rồi NHCSXH tỉnh, hơn ai hết, hiểu được những khoảng trống tín dụng khu vực nông nghiệp - nông thôn đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư của người dân nhiều hơn tích lũy và mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận của các NHTM ngày ấy; nguồn vốn chỉ trải ở những nơi có điều kiện phát triển kinh tế còn chưa đủ, huống chi vươn tới được những vùng sâu vùng xa, nơi những con đường chưa về đến trung tâm xã, đồng bào chưa quen với sản xuất hàng hóa. Chính vì vậy, Giám đốc Lê Văn Chí lại càng thấm cái chất nhân văn của dòng vốn tín dụng chính sách để rồi từ đó, cùng anh em đặt quyết tâm xóa trắng tín dụng giúp người dân Gia Lai, trong đó 49% là đồng bào các DTTS tiếp cận tín dụng phát triển kinh tế…

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thay đổi nhận thức, biết cách làm ăn… là điều lớn lao nhất mà NHCSXH mang lại cho đồng bào các DTTS Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt, đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, không thể không kể đến những đóng góp của NHCSXH trong 15 năm qua. Với cơ chế hỗ trợ từ “cho không” sang “cho vay”, từ cho vay không có lãi, đến cho vay lãi suất cực thấp (0,1% tháng) và hiện nay là 0,275%/tháng (bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo); mức vay hợp lý và tăng dần qua từng giai đoạn, thời gian vay phù hợp với chu kỳ sản xuất… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ DTTS xây dựng được nhiều mô hình SXKD hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, khắc phục dần tư tưởng trông chờ, ỉ lại, tập quán canh tác lạc hậu của phần lớn đồng bào.

Tín dụng chính sách đã giúp đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để SXKD, chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, tăng dần vị thế trong xã hội. Thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, thực sự là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền các địa phương với quần chúng nhân dân, đặc biệt là với  đồng bào DTTS; qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự toàn xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhận định: “Đối tượng vay vừa “đặc biệt”, vừa đông đảo nhưng nợ quá hạn lại rất thấp -  đây là một kỳ tích trong hoạt động ngân hàng. Thông qua giám sát của đoàn ĐBQH cho thấy, 15 năm qua NHCSXH đã giúp một bộ phận lớn người nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để SXKD. Nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Mô hình cải cách hành chính trong NHCSXH ngày càng chuyên nghiệp, Bộ máy năng động, tinh gọn, phương thức giao dịch ngay tại xã, phường tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con tham gia… Tôi dám khẳng định, để đạt được kết quả này, mỗi cán bộ NHCSXH không chỉ làm vì nhiệm vụ nữa mà trong đó có cả tình yêu thương đối với người nghèo.

Mong ước của người làm tín dụng chính sách

Ước một ngày đất nước không còn người nghèo, miền núi sánh kịp với miền xuôi không chỉ là tâm nguyện của những người đứng đầu đất nước mà còn là khát khao của những người làm tín dụng chính sách.

Có đi mới thấy; có thấy mới thấm, khi chứng kiến những mảnh đời cơ cực đã vươn lên bằng 2 triệu đồng, 5 triệu đồng rồi giờ là 50 triệu đồng vốn vay từ NHCSXH như trường hợp của ông chủ Cơ sở muối sấy Ngọc Yến ở Đồng Tháp, ông chủ Công ty Cổ phần Bánh sữa Ba Vì Đào Công Trường ở Ba Vì, Hà Nội hay bà chủ của thương hiệu miến dong nổi tiếng ở Bắc Kạn Triệu Thị Tá… Từ những đồng vốn nhỏ, họ đã có doanh thu hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng/năm như Cơ sở muối sấy Ngọc Yến. Quả là những kỳ tích trong giảm nghèo!

Trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới… Vốn chính sách đã giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…

Thành quả là thế, song câu chuyện hỗ trợ người dân có sinh kế vững bền và chất lượng cuộc sống cao hơn vẫn là câu chuyện mà NHCSXH xác định phải kiên trì bước tiếp. Không chỉ vì số hộ nghèo ở vùng cao, vùng xa còn cao, mà hơn thế, NHCSXH mong muốn chung tay vào phong trào xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa ngành nghề và nâng cao giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp; phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng chuỗi giá trị bền vững các sản phẩm nông nghiệp. Với mong ước đó, mỗi cán bộ của NHCSXH đang từng ngày, từng giờ tập trung huy động nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả  các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành; rà soát chỉnh sửa, bổ sung chính sách, chế độ cho phù hợp với thực tiễn. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, hoạt động giao dịch tại xã.

Tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo Chiến lược đã được phê duyệt, tạo tính chủ động và bền vững trong hoạt động của toàn hệ thống. Tranh thủ nguồn lực từ Trung ương và địa phương đầu tư, nâng cấp, ổn định trụ sở ngân hàng các cấp, phương tiện, trang thiết bị làm việc, đặc biệt là trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các Tổ giao dịch lưu động và các Điểm giao dịch xã.

Cùng với đó là việc khắc phục hạn chế, thiếu sót đã được đúc rút qua thực tế để tín dụng chính sách tiếp tục đồng hành hiệu quả với hộ nghèo và các đối tượng chính sách như hành trình 15 năm qua. Xứng đáng là điểm sáng, là công cụ không thể thiếu để bẩy các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh và trật tự an toàn xã hội như Đảng, Quốc hội và Chính phủ tin tưởng, giao phó.

Bình Nhi - Trần Trang thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác