Tiếp sức vùng khó
Từ 50 triệu đồng vay từ chương trình tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn năm 2016, gia đình bà Nguyễn Thị Hiếu ở Thôn Na, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch đầu tư sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi cá lồng trên sông, bán cho các nhà hàng, phục vụ khách du lịch tại Phong Nha - Kẻ Bàng, với đức tính cần cù chịu khó cùng với phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, đến nay cuộc sống của gia đình bà ngày càng khấm khá.
Bà Nguyễn Thị Hiếu không giấu được niềm vui chia sẻ: “Ngoài trồng rừng, gia đình còn chăn nuôi thả cá lồng trên sông, sau mỗi vụ thu hoạch có hàng trăm triệu đồng, cũng đủ chi tiêu hàng ngày trong gia đình. Thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Từ khi NHCSXH huyện Bố Trạch triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, nhiều hộ không thuộc diện nghèo hay đối tượng chính sách như chúng tôi được vay vốn ưu đãi để mở rộng trang trại hoặc chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.
Cũng giống hoàn cảnh của bà Hiếu, gia đình ông Lưu Văn Dụng ở thôn Phú Kinh, xã Liên Trạch năm 2017 được vay 50 triệu đồng chương trình hộ gia đìnhsản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn cũng đã đầu tư trồng rừng và chăn nuôi bò,sau thời gian chăm sóc bò và mở rộng diện tích rừng, đến nay gia đình ông đã có 4ha rừng keo lai vànuôi 6 con bò đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, gia đình ông đã có thu nhập bình quân hàng năm trên 100 triệu đồng. “Có được như ngày hôm nay là nhờ nguồn vốn từ NHCSXH, đây thật sự là một cứu cánh đối với gia đình tôi, giúp gia đình có vốn, kịp thời đầu tư sản xuất vươn lên phát triển kinh tế”, ông Dụng cho biết.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều hộ vay vốn chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trên địa bàn huyện Bố Trạch vay vốn từ NHCSXH sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi mang lại thu nhập cao.
Hiện Tổ tiết kiệm và vay vốn Thôn Na, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch do ông Hoàng Văn Thanh làm Tổ trưởng có 45 hộ vay vốn trong đó có đến 20 hộ gia đình vay vốn chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt và buôn bán hàng tạp hóa phục vụ khách du lịch. Sau khi vay vốn, các hộ đều mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động trong gia đình.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Na Hoàng Văn Thanh cho biết: “Vay vốn từ NHCSXH hộ vay không phải thế chấp tài sản, lại được cán bộ tín dụng và chính quyền địa phương hướng dẫn tận tình cách sử dụng vốn vay hợp lý, vì vậy hộ dân nào được vay vốn cũng phát huy tốt hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, ổn định đời sống”.
Đến nay tổng dư nợ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trên địa bàn huyện Bố Trạch đạt trên 100 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2018. Tổng số hộ còn dư nợ thuộc chương trình này là 2.250 hộ gia đình; bình quân số tiền vay là 22,5 triệu đồng/hộ. Trong đó, một số xã có dư nợ cao như: Sơn Trạch 28,5 tỷ đồng; Hưng Trạch 22,3 tỷ đồng, Sơn Lộc 10,2 tỷ đồng; Phúc Trạch 10 tỷ đồng; Thị trấn Nông trường Việt Trung 9,2 tỷ đồng… Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực với các gia đình ở các xã khó khăn, nhất là những gia đình không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhưng trong cuộc sống vẫn gặp những khó khăn nhất định trong phát triển kinh tế gia đình.
Nói về tầm quan trọng của nguồn vốn ưu đãi, Lãnh đạo NHCSXH huyện Bố Trạch cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi, đã cơ bản giải quyết được yêu cầu bức thiết nhất về nguồn vốn đối với những gia đình không phải là nghèo nhưng đang sinh sống và có nhu cầuSXKD tại vùng khó khăn. Vì vậy, sau khi được vay vốn, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả vào phát triển kinh tế gia đình theo các mô hình trang trại, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả, phát triển kinh doanh, dịch vụ du lịch, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống gia đình và trả nợ vốn vay đúng hạn”.
Trong thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ tập trung, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phù hợp để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể và các ngành liên quan tổ chức tập huấn lồng ghép nâng cao kiến thức về quản lý và sử dụng nguồn vốn, gắn với chuyển giao KHKT, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bài và ảnh Tuấn Huy
Các tin bài khác
- » “Đòn bẩy” giúp phụ nữ thoát nghèo
- » Vốn vay ưu đãi tiếp sức nông dân
- » CCB Phú Thọ vươn lên làm giàu từ vốn vay ưu đãi
- » NHCSXH hưởng ứng ngày khoa học công nghệ Việt Nam
- » Kỳ vọng mới từ việc nâng hạn mức tối đa tín dụng chính sách
- » Hiệu quả nguồn vốn cho vay hộ nghèo
- » Nguồn vốn giải quyết việc làm tạo việc làm ổn định
- » Động lực thoát nghèo ở vùng đồng bào DTTS
- » Tiếp sức nông thôn mới Vĩnh Thạnh
- » Tiết kiệm để thoát nghèo bền vững hơn