TDCSXH góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng tại Cao Bằng
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nhiều chính sách, đề án, giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc đầu tư, củng cố, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khuyến khích thu hút đầu tư; phát triển sản xuất, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động thuộc các hộ nghèo, tỉnh còn tập trung thực hiện tốt các chính sách nhằm hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, mở rộng sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo của Trung ương, các chính sách dân tộc, dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Chính phủ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước giảm nghèo bền vững tại khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và toàn tỉnh.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy và chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đặc biệt là tập trung các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Để huy động nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, trong những năm qua cùng với nguồn vốn của Trung ương chuyển về, hằng năm tỉnh luôn cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh thực hiện các giải pháp huy động nguồn vốn nhàn rỗi trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với tinh thần tương thân, tương ái, tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH; chỉ đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ, Liên đoàn Lao động và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cùng cấp tổ chức chương trình “Tuần lễ gửi tiền tiết kiệm, chung tay vì người nghèo”, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân trên địa bàn gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH để tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Đến ngày 30/6/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 3.850,5 tỷ đồng, tăng 3.753,1 tỷ đồng, tăng hơn 38 lần so với thời điểm nhận bàn giao, bình quân mỗi năm tăng 187,6 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác đạt 289,1 tỷ đồng, chiếm 7,51%/tổng nguồn vốn, tăng 283,1 tỷ đồng so với trước thời điểm có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư.
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,98% xuống còn 15,86%; giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 42,53% xuống còn 22,06%; năm 2021 có 5.043 hộ thoát nghèo với tỷ lệ giảm nghèo 4,03%; năm 2022 giảm 5.969 hộ nghèo với tỷ lệ giảm nghèo 4,29%; góp phần xây dựng 17/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới, ngăn chặn tệ nạn “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại tỉnh Cao Bằng, cấp ủy, chính quyền tỉnh Cao Bằng nhận thấy sức sống, sự lan tỏa sâu rộng của tín dụng chính sách xã hội đã tác động tích cực và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh -chính trị, xây dựng nông thôn tại tỉnh Cao Bằng; là căn cứ, minh chứng quan trọng để UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những giải pháp thiết thực để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng.
Trong 20 năm qua, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 443.800 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận và được vay vốn tín dụng chính sách với tổng số tiền trên 11 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt 3.835 tỷ đồng, tăng 3.737,6 tỷ đồng, gấp 38,37 lần so với dư nợ khi thành lập. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ 421 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nguồn lực tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm cho trên 34.500 lao động; hỗ trợ trên 2.100 người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 65.800 công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ trên 22.300 HSSV được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng… |
CTV
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Lâm Đồng
- » Thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- » Bình Phước giảm 2.000 - 2.500 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều/năm
- » “Bà đỡ” cho người nghèo Hòa Bình
- » THÔNG BÁO VỀ VIỆC LỰA CHỌN TỔ CHỨC BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
- » Bộ nhận diện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
- » Rút ngắn chặng đường giảm nghèo bền vững bằng tri thức
- » Vốn chính sách mang no ấm về Cốc Lầu
- » Tín dụng chính sách hỗ trợ đắc lực chương trình giảm nghèo
- » Tín dụng chính sách đồng hành phát triển kinh tế