Tín dụng chính sách đồng hành phát triển kinh tế

07/11/2023
(VBSP News) Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã tạo động lực quan trọng giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
vay_20231102083215

Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH đã giúp gia đình chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành có thêm nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở sản xuất bánh tráng

Trợ lực phát triển kinh tế
Theo chỉ dẫn của Hội LHPN xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, chúng tôi đến thăm cơ sở làm bánh tráng nhúng của gia đình chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên, ở thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung. Trước đây, chị Tiên làm kế toán ở TP Hồ Chí Minh, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chị về quê mở xưởng đan ghế mây. Tuy nhiên, công việc kinh doanh không thuận lợi, dẫn đến thua lỗ. Sau nhiều trăn trở, năm 2022, chị Tiên quyết định gắn bó với nghề sản xuất bánh tráng nhúng.
Xuất phát từ nhu cầu vay vốn của chị Tiên, NHCSXH huyện Nghĩa Hành đã xét duyệt hồ sơ giải ngân cho chị Tiên vay 100 triệu đồng nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm. Chị Tiên chia sẻ, để đầu tư cơ sở sản xuất bánh tráng quy mô với máy móc hiện đại cần rất nhiều vốn.
Hiện nay, cơ sở sản xuất bánh tráng nhúng của gia đình chị Tiên được xếp vào diện quy mô bậc nhất của huyện Nghĩa Hành. Theo đó, tất cả các khâu từ tráng bánh, sấy bánh, cắt bánh đều sử dụng bằng máy móc. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất của chị Tiên cung cấp ra thị trường khoảng 6 tạ bánh tráng, đem về doanh thu 20 triệu đồng/ngày. Cơ sở sản xuất bánh tráng của chị Tiên đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 14 lao động tại địa phương, với thu nhập 200 nghìn đồng/người/ngày.
Không riêng gì chị Tiên, mà rất nhiều hộ dân làm nghề bánh tráng ở xã Hành Trung đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để đầu tư phát triển nghề truyền thống tại địa phương. Bên cạnh đó, nguồn vốn của NHCSXH cũng đã trợ lực cho người dân làng nghề chổi đót, trồng dâu nuôi tằm, vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện, giúp người dân có điều kiện duy trì, bảo tồn, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Điển hình như hộ ông Võ Văn Hoàng ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân đã phát triển vườn cây ăn quả từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Ông Hoàng kể: Năm 2020, ông được NHCSXH huyện cho vay 70 triệu đồng để trồng cây ăn quả. Đến nay, vườn cây ăn quả kết hợp trồng dâu nuôi tằm rộng hơn 1ha của gia đình ông, đã trở thành địa chỉ tham quan của nhiều đoàn khách khi đến trải nghiệm du lịch cộng đồng tại địa phương. Nhờ đó, đã giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định.
Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn
Từ đầu năm 2023 đến nay, nguồn vốn của NHCSXH huyện Nghĩa Hành đã tạo điều kiện cho khoảng 1.500 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Doanh số cho vay 9 tháng năm 2023 đạt trên 69,2 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt gần 41,8 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH huyện đạt trên 355,7 tỷ đồng, với 7.033 hộ còn dư nợ, tỷ lệ tăng trưởng đạt 8,4%. Nợ quá hạn 490 triệu đồng, chiếm 0,14%/tổng dư nợ.
Giám đốc NHCSXH huyện Nghĩa Hành Đỗ Văn Kha cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Bài và ảnh Hồng Hoa

Các tin bài khác