Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tập trung, huy động nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội
Tham dự buổi nghiệm thu có Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Tế - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu NHCSXH; Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hằng - thành viên nhóm nghiên cứu đề tài cùng các ủy viên Hội đồng nghiệm thu; đại diện các Ban CMNV tại Hội sở chính, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm CNTT.
Hiện nay, hoạt động tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm; đối tượng phục vụ, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng. Thực tiễn hoạt động cho thấy, mặc dù nguồn vốn huy động liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, đáp ứng cơ bản nguồn vốn thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng hằng năm được Thủ tướng Chính phủ giao và đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tuy nhiên, cơ chế tạo lập nguồn vốn vẫn chưa có tính ổn định, lâu dài; việc bố trí vốn trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước còn có khoảng cách giữa nhu cầu vốn thực hiện các chương trình an sinh xã hội và thực tế vốn được bố trí thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong kế hoạch hàng năm. Ngoài ra, một số quy định về nguồn vốn của NHCSXH trong một số các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật đầu tư công, Luật ngân sách Nhà nước chưa thực sự phù hợp dẫn đến khó khăn trong việc tập trung, huy động nguồn vốn để thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, quy định hiện hành cũng chưa tạo điều kiện để NHCSXH tiếp cận được các nguồn vốn như: nguồn vốn ủy thác từ đơn vị sự nghiệp, các nguồn vốn nhân đạo, vốn ODA, các nguồn vốn vay có thời hạn dài, lãi suất thấp…
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn, triển khai thực hiện đề tài “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tập trung, huy động nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội”. Bằng các phương pháp phân tích, tổng hợp, đối chiếu, so sánh, điều tra và thu thập thông tin thông qua phiếu khảo sát, nhóm tác giả đã tập trung nghiên cứu những nội dung mang tính lý luận cơ bản về tín dụng chính sách xã hội, khuôn khổ pháp lý nói chung và khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động tập trung, huy động nguồn vốn để thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH. Nhóm tác giả cũng đã trình bày các bộ phận cấu thành và phạm vi điều chỉnh, các nhân tố ảnh hưởng đến khuôn khổ pháp lý liên quan đến hoạt động huy động nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Trên cơ sở nghiên cứu khuôn khổ pháp lý hiện hành, nhóm tác giả đã hệ thống các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến điều chỉnh nguồn vốn hoạt động của NHCSXH, quy định về nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp, nguồn vốn do NHCSXH tổ chức huy động, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương để thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Các quy định pháp luật về hoạt động huy động vốn của NHCSXH được xây dựng trên cơ sở thể chế hoá chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chiến lược phát triển của NHCSXH nói riêng, góp phần không nhỏ vào sự ổn định của nguồn vốn tín dụng chính sách. Bên cạnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ được xây dựng và triển khai đồng bộ, nguồn vốn hoạt động của NHCSXH không ngừng gia tăng. Cơ cấu nguồn vốn dần có những chuyển biến theo hướng chủ động, khắc phục được sự lệ thuộc vào nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp, trong đó chú trọng mở rộng huy động tiết kiệm từ dân cư, đặc biệt là huy động tiết kiệm thông qua màng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn để tạo điều kiện mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của các đối tượng thụ hưởng.
Nhóm tác giả nghiên cứu đã trình bày những kết quả tập trung, huy động nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo quy định của pháp luật đến cuối năm 2022. Phân tích kết quả thực hiện huy động từng loại nguồn vốn theo quy định của pháp luật để tạo lập nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hiệu lực các quy định của pháp luật, hiệu quả trong thực hiện tập trung, huy động nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đây là cơ sở để nhóm tác giả nghiên cứu đề xuất 03 nhóm giải pháp và kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, như: Hoàn thiện cơ chế chính sách, bố trí nguồn vốn ngân sách, tổ chức thực hiện; nhằm tập trung, huy động nguồn thực hiện tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và định hướng phát triển của NHCSXH trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội đến năm 2030.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại biểu dự buổi nghiệm thu đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, được nhóm nghiên cứu thực hiện công phu, nghiêm túc, bám sát với mục tiêu và yêu cầu đề ra. Đề tài được xây dựng trên yêu cầu thực tiễn nên có khả năng ứng dụng vào thực tiễn hoạt động NHCSXH. Các ý kiến của thành viên Hội đồng nghiệm thu và đại biểu đã bổ sung, góp ý vào một số nội dung trong đề tài còn thiếu sót, chưa phù hợp với thực tiễn.
Phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Tế - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học, những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của nhóm nghiên cứu. Kết quả của đề tài là cơ sở để NHCSXH xem xét, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, khả thi nhằm tập trung, huy động nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội để tổ chức thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả trên thực tiễn. Phó Tổng Giám đốc đề nghị nhóm tiếp tục tiếp thu một cách có chọn lọc ý kiến của các đại biểu để kết quả nghiên cứu ứng dụng ngay vào thực tiễn, góp phần tạo lập nguồn vốn ổn định, bền vững cho hoạt động của NHCSXH.
Với những kết quả mà đề tài “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tập trung, huy động nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội” đã đạt được, Hội đồng Khoa học NHCSXH nhất trí nghiệm thu Đề tài với đánh giá loại Giỏi.
PV
Các tin bài khác
- » Kỳ 3 - Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách phục vụ nhân dân
- » Kỳ 2 - “Đổi đời” nhờ tín dụng chính sách
- » TÁC PHẨM DỰ THI GIẢI BÚA LIỀM VÀNG LẦN THỨ VIII, NĂM 2023: Hiệu quả tín dụng chính sách ở Bắc Kạn (Kỳ 1 - Đồng hành cùng người dân nghèo, đối tượng chính sách)
- » Đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển đến hết năm 2025
- » ĐBQH Chu Thị Hồng Thái - Lạng Sơn: Mức hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà mới cho một hộ nghèo chưa đủ đảm bảo được yêu cầu 3 “cứng”
- » Lực đẩy vốn cho giảm nghèo hiệu quả
- » Người dân vùng biên giới tỉnh Quảng Nam vay vốn để giảm nghèo
- » Vươn lên nhờ vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; tạo việc làm; xây dựng nông thôn mới; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc