Bình Phước giảm 2.000 - 2.500 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều/năm

10/11/2023
(VBSP News) Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bình Phước đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 2.000 - 2.500 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; trong đó, giảm 1.000 hộ nghèo DTTS.
binhphuoc1

Mô hình chăn nuôi dê của người dân xã Lộc An, huyện Lộc Ninh từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách

Hộ nghèo vay vốn làm kinh tế giỏi
Đồng hành với Hội Nông dân các cấp, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Phước đã đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay các hộ nghèo, khó khăn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Gia đình anh Điểu Ngôn, dân tộc S’tiêng, ở ấp 2, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh là một điển hình sử dụng vốn vay có hiệu quả, trở thành tấm gương nông dân đồng bào DTTS vươn lên làm kinh tế giỏi.
Năm 2018, là hộ nghèo tại địa phương, anh Ngôn có sức lao động, có tư liệu sản xuất nhưng thiếu vốn. Thông qua Hội Nông dân xã Lộc An, gia đình anh được xét vay 30 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện Lộc Ninh. Thông qua các buổi tập huấn về chăn nuôi của Hội Nông dân xã, gia đình anh quyết định đầu tư nuôi 6 con dê giống Bách Thảo. Sau hơn 4 năm gây dựng và mở rộng, hiện gia đình anh có gần 30 con dê lớn nhỏ.
Mỗi năm, anh thu về hơn 100 triệu đồng từ tiền bán dê. Từ số tiền này, anh tiếp tục phát triển thêm vườn cây ăn trái gồm mít và sầu riêng. Phân của dê được anh bón lại cho cây trồng, giúp cho cây xanh tốt và ít sâu bệnh. Hiện nay, gia đình anh Ngôn đã xây dựng được căn nhà cấp 4, mua sắm được các vật dụng sinh hoạt gia đình và cuộc sống dần ổn định. Gia đình anh cũng đã trả nợ xong nguồn vốn hộ nghèo và tiếp tục được vay vốn từ chương trình hộ mới thoát nghèo từ NHCSXH huyện.
Gia đình anh Điểu Đôn ở thôn 5, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng có hơn 0,8ha điều già cỗi. Vì đông con, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, anh Đôn được xét vay số tiền 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện Bù Đăng để đầu tư chăn nuôi trâu. Nhờ được tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, và chăm sóc kỹ nên đàn trâu của gia đình anh phát triển tốt, đã sinh được thêm 1 con nghé.
Năm 2023, anh Đôn tiếp tục được xét vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư cải tạo vườn điều cũng như tăng thêm số lượng đàn trâu. Anh Đôn cho biết: “Nhờ đồng vốn của NHCSXH và sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, gia đình đã có kế sinh nhai. Đàn trâu của gia đình từ 2 con nay đã được 4 con. Hàng ngày, ngoài thời gian chăm sóc đàn trâu, tôi cùng vợ và các con đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập, và cho con đi học. Chỉ mong đàn trâu mau lớn thôi”.
Theo Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Phước Võ Trọng Hòa, nhờ mạng lưới Điểm giao dịch xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn được xây dựng gần dân đã giúp chuyển tải vốn vay kịp thời, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân. Đến tháng 6/2023, tổng nguồn vốn ủy thác do Hội Nông dân quản lý đạt hơn 1.104 tỷ đồng, với 24.872 hộ vay vốn thông qua 560 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Quan trọng hơn là hội viên nông dân biết tính toán tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình, tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần ổn định chính trị, trật tự xã hội.
Thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo đa chiều

binhphuoc2

Hộ nghèo của tỉnh Bình Phước vay vốn chính sách để phát triển chăn nuôi

Ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức vươn lên, chính quyền các cấp ở tỉnh Bình Phước còn triển khai đồng bộ các giải pháp từ đầu tư phát triển hạ tầng; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế; xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo tạo nguồn thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Bà Thị Sữa ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng là hộ nghèo của xã. Bà vừa được chính quyền địa phương và các mạnh thường quân chung tay xây tặng căn nhà đại đoàn kết. Ngoài ra, bà còn được đào giếng khoan, kéo điện sinh hoạt và tặng thêm con bò giống để làm kế sinh sống. Có mái ấm để an cư, niềm vui của bà Sữa nhân lên gấp nhiều khi cái nghèo không còn đeo bám. Bà Sữa cho biết, được tặng nhà và bò chăn nuôi, gia đình mừng lắm. Con trai bà đã có việc làm, bà thì làm thuê kiếm thêm thu nhập nên chất lương cuộc sống được cải thiện hơn nhiều.
Nhờ tích hợp triển khai các giải pháp, người dân được tiếp cận hết thông tin, được hỗ trợ các phương án, phương thức sản xuất và con giống vươn lên phát triển. Với những giải pháp như thế, huyện Phú Riềng đang từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn và nỗ lực đến năm 2025 hoàn thành Nghị quyết không còn hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn dân.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bình Phước đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 2.000 - 2.500 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; trong đó, giảm 1.000 hộ nghèo DTTS. Kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Bình Phước yêu cầu: Hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân DTTS sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn.

Trần Khánh

Các tin bài khác