Rút ngắn chặng đường giảm nghèo bền vững bằng tri thức
Thành tài từ đồng vốn nhân văn
Nhà có 8 cô con gái, không chỉ nuôi con khôn lớn, mà còn định còn định hướng đầu tư cho con cái học hành, với năm người tốt nghiệp Đại học, một người tốt nghiệp Cao đẳng và hai người tốt nghiệp Trung cấp nghề. Ở miền xuôi hay ngay cả ở thành phố việc này đã là khó, thế nhưng vợ chồng ông Lường Xuân Việt, dân tộc Tày ở thôn Bản Khoan, xã vùng III Thượng Nông của huyện đặc biệt khó khăn Na Hang (Tuyên Quang) đã làm được.
Thời kỳ bao cấp nuôi con bằng ngô bằng sắn, nhà nhiều con lại càng vất vả, mỗi năm thiếu đói 3 tháng song ông vẫn cố gắng dạy bảo các con phải chăm học. Trước khát vọng học tập của các con cũng như của chính vợ chồng ông muốn cho con bằng người, những ngày đầu chưa có chương trình tín dụng chính sách, ông chắt chiu dành dụm tiền rồi vay mượn khắp anh em trong làng cho hai con đầu đi học. “Mỗi lần đến kỳ nộp học phí là lo lắm vợ chồng chạy đôn chạy đáo khắp làng trên xóm dưới đến đêm vẫn còn ngoài đường” - ông kể - “thế nên khi có chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khan thì tôi là người đầu tiên của xã làm đơn vay vốn học sinh cho con đi học”.
Năm người con tiếp theo của ông đã được vay vốn để trang trải chi phí học tập ra trường có công ăn việc làm ổn định giúp cha mẹ trang trải chi phí học tập cho các em còn lại. Tám người con của ông Việt giờ đều đã có việc làm ổn định trong đó có 4 người làm việc trong các cơ quan nhà nước, và bốn người làm việc tại các công ty từ Bắc vào Nam.
Ông bảo việc làm đúng nhất trong cuộc đời ông là cho các con ăn học để cho các con không phải nghèo khó một đời với ruộng lương. “Tôi tự hào về quá trình mình vất vả nuôi con trưởng thành thoát ly nông nghiệp. Tôi sung sướng lắm”, ông nói. Đặc biệt, con gái Lương Thị Oanh học Đại học Nông nghiệp Hà Nội hiện đang công tác tại UBND xã Thượng Nông, huyện Na Hang trên cương vị Chủ tịch HLHPN xã đang hàng ngày cùng NHCSXH hỗ trợ bà con trong xã tiếp cận tín dụng, phát triển kinh tế, gieo thêm những niềm tin và hy vọng đổi đời cho những người dân vùng quê nghèo khó.
Cũng như chị Lương Thị Oanh, nhiều HSSV sau khi đi học đã trở về quê hương đóng góp sức lực xây dựng quê hương đất nước. Như gia đình ông Vi Văn Tiên, dân tộc Nùng, sinh năm 1958 ở xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) giờ đã không còn là hộ nghèo, 1ha bưởi chuyển đổi từ trồng ngô sang, cùng 1 mẫu ruộng và thu nhập làm công nhật những ngày nông nhàn, đủ để ông bà sống không phải lo cơm áo.
Song điều mà ông tự hào nhất là nuôi ba đứa con học đại học, trong đó có hai con đã có công ăn việc làm ổn định, và đang tận lực đóng góp vào sự nghiệp trồng người và chăm sóc sức khỏe người dân Thái Nguyên. Tự hào bao nhiêu, ông lại càng biết ơn chính sách của Đảng và Chính phủ cùng sự tận tâm của các cán bộ NHCSXH giúp gia đình ông tiếp cận vốn tín dụng chính sách học sinh sinh viên cho con đi học.
Ông kể ngày ấy nhà chỉ có 1ha trồng ngô và 1 mẫu đất trồng lúa, nuôi ba con ăn học đã rất khó khăn, nên nếu không có vốn tín dụng chính sách vợ chồng ông khó có thể cho các con đi học. Vay 90 triệu đồng vốn HSSV có hoàn cảnh khó khăn để trang trải chi phí học tập cho hai con học đại học. Hiện nay, hai người con của ông đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định (một cháu đang làm Bác sĩ Bệnh viện A, TP Thái Nguyên; một cháu đang làm giáo viên tại Trường Tiểu học Liên Minh, huyện Võ Nhai). Con trai thứ ba của ông cũng vừa tốt nghiệp trường Đại học Nội vụ.
Chị Vi Thị Phụng, con gái lớn của ông giờ đang là giáo viên trường Tiểu học Liên Minh cho biết: “Ngày ấy nhà em thuần nông công việc trong gia đình em đỡ đần hết nên khi nhận được giấy trúng tuyển cao đẳng Thái Nguyên em rất lo lắng về kinh tế gia đình và cũng có ý định nghỉ học đỡ tạo gánh nặng lên gia đình. Nhưng nhờ có sự động viên của ba mẹ em có suy nghĩ tích cực hơn về tương lai cho bản thân và cho gia đình, cho xã hội. Em muốn theo đuổi ước mơ của mình trở thành người giáo viên đưa con chữ cho các em và mang lai tương lai tri thức cho các em để sau này công hiến cho đất nước cũng như mong muốn mình có thể vươn lên thoát khỏi cuộc sống khó khăn và có thể giúp đỡ bố mẹ mình”. Ước mơ của chị Phụng giờ đã trở thành hiện thực. Bên mái ấm gia đình với người chồng cũng là đồng nghiệp và sự yêu thương của gia đình chị có thêm niềm tin ý chí mang cái chữ và tri thức thắp sáng tương lai cho các con em quê hương mình.
Góp phần tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ mới
Đó chỉ là một vài nét chấm phá trong bức tranh tín dụng ưu đãi đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt từ sau khi nhìn nhận rõ những nguyên nhân của Chương trình tín dụng đối với HSSV theo Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa phát huy hết hiệu quả khi đến năm 2007, chương trình mới cho vay được gần 100 nghìn HSSV với tổng dư nợ là 290 tỷ đồng và tỷ lệ HSSV bỏ học vì khó khăn về kinh tế vẫn chưa giảm do bản thân sinh viên và gia đình hầu như chưa hiểu rõ về chương trình, cơ chế cho vay còn khó khăn NHCSXH đã cùng các Bộ ngành đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với HSSV.
Từ thời điểm này, chương trình tín dụng đối với HSSV thực sự trở thành chương trình tín dụng lớn, có tác động mạnh đối với xã hội với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của thường trực Chính phủ; sự quan tâm, phối hợp triển khai tích cực của các Bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là sự vào cuộc thực hiện quyết liệt, có trách nhiệm trong công tác cho vay vốn của NHCSXH.
Không chỉ triển khai kịp thời vốn đáp ứng nhu cầu của HSSV, NHCSXH giải đáp kịp thời những ý kiến thắc mắc trong quá trình thực hiện của các địa phương, cơ sở đào tạo và đối tượng thụ hưởng… Đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, từ đó nâng mức vay và thời hạn vay phù hợp với nhu cầu của HSSV, đảm bảo Chính sách tín dụng đã phát huy hiệu quả theo đúng mục đích ban đầu là bảo đảm không còn tình trạng HSSV phải bỏ học giữa chừng vì khó khăn kinh tế.
Chính sách đã nhanh chóng đi vào cuộc sống tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn HSSV có đủ kinh phí để trang trải việc học tập, sinh hoạt, hàng trăm nghìn gia đình có điều kiện cho con em mình tiếp tục đến trường. Báo cáo của NHCSXH cho biết chỉ tính riêng 10 năm gần đây, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đến ngày 30/6/2023, tổng doanh số cho vay chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn đạt 20.573 tỷ đồng. Chương trình đã giúp cho trên 3,7 triệu lượt HSSV được vay vốn để chi phí học tập. Trong đó, sinh viên ngành Sư phạm đang còn dư nợ là 14.845 sinh viên với tổng số tiền là gần 511 tỷ đồng; dư nợ cho vay sinh viên học đại học đạt 10.337 tỷ đồng, với hơn 249 nghìn HSSV chiếm 79%/tổng số HSSV
“Kết quả đạt được cho thấy, đây là một trong các chính sách của Nhà nước nhằm thực hiện công bằng xã hội, hỗ trợ và tạo cơ hội cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học tại trường. Chính sách này đã giúp cho một bộ phận nhân dân có thu nhập thấp có được sự bình đẳng về đào tạo, hỗ trợ kinh phí để theo học các bậc học khác nhau, kể cả đào tạo nghề, giúp họ có thể có một việc làm ổn định, phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình”, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đây cũng là thách thức mới cho các nhà làm chính sách cũng như NHCSXH trong việc tận dụng chương trình tín dụng HSSV đáp ứng yêu cầu mới và vận hội nước nhà.
Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế số xã hội số, nhu cầu của nhu cầu vay vốn của sinh viên không dừng lại ở việc chi trả chi phí học tập mà còn mua sắm các trang thiết bị phục vụ học tập ở mức độ cao như máy tính cá nhân tốc độ cao phục vụ việc học tập, nghiên cứu.
Vì vậy, để có thể cộng hưởng hơn nữa hiệu quả của chương trình tín dụng HSSV đối với công cuộc giảm nghèo phát triển kinh tế địa phương, cao hơn là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao quốc gia, các Bộ ngành cần nghiên cứu đề xuất với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của HSSV xây dựng các gói vay phù hợp với nhu cầu của HSSV. Bảo đảm mức vay vốn đáp ứng được nhu cầu tối thiếu, đủ để trang trải các chi phí học tập, đặc biệt tại các thành phố lớn. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng hình thành các Quỹ cộng đồng để giúp sinh viên tốt nghiệp có thể vay vốn phát triển các dự án khởi nghiệp.
Nguyễn Minh
Các tin bài khác
- » Vốn chính sách mang no ấm về Cốc Lầu
- » Tín dụng chính sách hỗ trợ đắc lực chương trình giảm nghèo
- » Tín dụng chính sách đồng hành phát triển kinh tế
- » Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tập trung, huy động nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Kỳ 3 - Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách phục vụ nhân dân
- » Kỳ 2 - “Đổi đời” nhờ tín dụng chính sách
- » TÁC PHẨM DỰ THI GIẢI BÚA LIỀM VÀNG LẦN THỨ VIII, NĂM 2023: Hiệu quả tín dụng chính sách ở Bắc Kạn (Kỳ 1 - Đồng hành cùng người dân nghèo, đối tượng chính sách)
- » Đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển đến hết năm 2025
- » ĐBQH Chu Thị Hồng Thái - Lạng Sơn: Mức hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà mới cho một hộ nghèo chưa đủ đảm bảo được yêu cầu 3 “cứng”
- » Lực đẩy vốn cho giảm nghèo hiệu quả