Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Lâm Đồng

10/11/2023
(VBSP News) Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới là chủ trương quan trọng, nhất quán, xuyên suốt được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả.
lam dong1

NHCSXH luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc khu vực Nam Tây nguyên, với diện tích tự nhiên 9.773,54km2, dân số của tỉnh khoảng 1,33 triệu người, với 47 dân tộc sinh sống; trong đó, người đồng bào DTTS chiếm 24,9% dân số toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp.
Những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đặc biệt là quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương, góp phần cùng nguồn vốn trung ương để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khách. Tỉnh ủy đã ban hành văn bản số 4777-CV/TU ngày 23/01/2015 để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tập trung thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. UBND tỉnh, UBND cấp huyện cũng ban hành Kế hoạch để chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương… tổ chức triển khai thực hiện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Chỉ thị đã đi vào cuộc sống, tác động rất tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã xác định được trách nhiệm và vai trò của mình đối với tín dụng chính sách xã hội nên đã chú trọng, quan tâm, tạo điều kiện, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Quan tâm bố trí ngân sách địa phương các cấp chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH hàng năm. Tính từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đến nay, địa phương đã ủy thác nguồn vốn qua NHCSXH 427 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, gấp 8,14 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị, trong đó ngân sách tỉnh 230 tỷ đồng, ngân sách huyện 188 tỷ đồng, MTTQ Việt Nam tỉnh 5 tỷ đồng, MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố 4 tỷ đồng.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã tích cực chuyển tải nguồn vốn hơn 14.000 tỷ đồng của 16 chương trình tín dụng chính sách cho hơn 765.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng dư nợ đến ngày 30/6/2023 đạt 5.156 tỷ đồng/97.638 hộ còn dư nợ, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 23,1%; trong đó, nổi bật là hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững.
Tín dụng chính sách xã hội cùng với các chính sách khác đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (giai đoạn 2005 - 2010 từ 22,72% xuống còn 6,31% vào cuối năm 2010, giai đoạn 2011 - 2015 từ 12,6% xuống còn 1,75% cuối năm 2015 , giai đoạn 2016 - 2020 từ 6,67% xuống còn 0,9 % cuối năm 2021 và giai đoạn 2022-2025 từ 2,87% xuống còn 1,99% cuối năm 2022), qua đó đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và vùng DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều còn 11.454 hộ, chiếm 14,22% (trong đó, tổng số hộ nghèo là 4.549 hộ, chiếm 5,65%; tổng số hộ cận nghèo là 6.905 hộ, chiếm 8,57%); đến cuối năm 2022 giải quyết việc làm cho khoảng 4.300 lao động, trong đó có 50% đã qua đào tạo nghề; có 74 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; có 95,8% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 107/111 xã (96,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 33 xã nông thôn mới nâng cao và 09 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 02 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Có thể khẳng định, tín dụng chính sách do NHCSXH đã đáp ứng khá toàn diện các nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trần Văn Hiệp

Các tin bài khác