Tạo sinh kế, cải thiện cuộc sống cho đồng bào Khmer
Trong thời gian qua, diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer không ngừng được đổi mới, khoảng cách chênh lệch mức sống của người dân miền núi so với các vùng miền khác trong tỉnh được thu hẹp dần. Tuy nhiên, ở các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer kinh tế phát triển chưa bền vững, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu; nhiều hộ gia đình thiếu nhà ở, đất sản xuất, tập quán canh tác lạc hậu, nhất là tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm tới 19,8%. Từ thực tế này, tỉnh An Giang đã nỗ lực, tăng cường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách nhằm phát triển toàn diện giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đã có nhiều dự án chương trình, mô hình mang tính thiết thực phù hợp với điều kiện từng địa bàn đem lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt là chương trình cho vay vốn tín dụng chính sách góp phần giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer phát triển SXKD, khôi phục mở mang ngành nghề truyền thống vượt khó thoát nghèo, ổn định và nâng cao dần cuộc sống. Ông Tô Văn Hoảnh - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh An Giang cho biết, nguồn vốn tín dụng ưu đãi luôn được ưu tiên phân bổ tới các vùng miền núi dân tộc, các xã vùng sâu, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, dư nợ cho vay đối với đồng bào DTTS trên toàn tỉnh là 161 tỷ đồng với 11.170 khách hàng, chiếm tỷ lệ 41,93% trên tổng số hộ đồng bào DTTS và chiếm 5,69% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh An Giang, trong đó có hàng nghìn gia đình người Khmer ở 2 huyện miền núi biên giới Tri Tôn, Tinh Biên được tiếp cận tất cả 14 chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH tổ chức thực hiện và 3 chương trình tín dụng dành riêng cho đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư chủ yếu vào các hộ đồng bào DTTS nghèo, tập trung cho sản xuất nông lâm nghiệp, chăn nuôi, sửa chữa nhà ở, xây dựng công trình cung cấp NS&VSMTNT, hỗ trợ kinh phí học tập từ đó đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống làm chuyển biến nhận thức, thay đổi phương thức làm ăn cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo.
Ông Men Say Ma - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn nhận xét: “Các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS là một chủ trương hợp với lòng dân, là một động lực thúc đẩy kinh tế xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh an toàn vùng miền núi biên giới. Chính vì ý nghĩa và tác dụng của tín dụng chính sách nên cả hệ thống chính trị, các ban, ngành của huyện Tri Tôn đã vào cuộc quyết liệt, huy động nguồn lực và nhanh chóng chuyển tải mọi nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Được biết, nguồn vốn chính sách đã tập trung ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, các phum sóc có đông đồng bào Khmer phát triển sản xuất, thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững”.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo, huyện Tinh Biên cho biết, An Hảo là một xã vùng 3 vùng đặc biệt khó khăn có 62% hộ đồng bào Khmer sinh sống dọc 70km đường biên giới để giúp đồng bào dân tộc nơi đây phát triển kinh tế gia đình, NHCSXH đã chú trọng cho vay hộ nghèo đầu tư chăn nuôi trâu bò sinh sản, lợn, đồng thời còn giúp bà con tận dụng thế mạnh về khôi phục ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu đường thốt nốt, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình bà Neàng Sô Ni, dân tộc Khmer ở ấp An Lợi, xã An Hảo, là một trong những hộ được vay vốn của NHCSXH huyện Tinh Biên để chăn nuôi bò sinh sản, khởi đầu chỉ có một con bò nhưng hiện nay, chuồng bò của nhà ông lúc nào cũng có 3 con bò sinh sản, 5 con bò con, mỗi năm lãi hơn 60 triệu đồng. Nhờ vốn vay thuận lợi tiếp sức làm ăn hiệu quả, gia đình bà Neàng Sô Ni đã cất được ngôi nhà ở kiên cố, khang trang, sắm được xe máy và nhiều vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của gia đình.
Cũng từ nguồn vốn vay của NHCSXH, gia đình anh Chau Sinh, dân tộc Khmer ở ấp An Hòa, xã Chân Long, huyện Tri Tôn đã khôi phục nghề nấu đường thốt nốt nên cuộc sống ngày càng sung túc hơn. “Hồi trước, cuộc sống bấp bênh, thiếu vốn, do đó công việc nấu đường khó khăn. Nhờ 45 triệu đồng vốn ưu đãi hỗ trợ đúng lúc, gia đình tôi mua được đủ dụng cụ nấu và chủ động nguyên liệu cho nghề nấu đường thốt nốt. Ngoài 20 cây thốt nốt của nhà, tôi còn mua thêm vài chục cây thốt nốt của bà con trong phum sóc để lấy nước mở rộng nghề nấu đường truyền thống, tăng thu nhập, sớm trả hết nợ vay ngân hàng, thoát cảnh nghèo túng”, anh Chau Sinh kể.
Theo đánh giá của Ban dân tộc tỉnh An Giang, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, NHCSXH trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền, hội, đoàn xây dựng mạng lưới Điểm giao dịch xã, củng cố kiện toàn hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn, tiến hành bình xét dân chủ, công khai cho hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS vay vốn chính sách, tạo sự công bằng trong thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng ngân hàng, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS trên con đường giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no tươi đẹp.
Bài và ảnh Phan Anh - Đông Dư
Các tin bài khác
- » CCB tiên phong trên mặt trận giảm nghèo
- » “Thủ đô gió ngàn” hôm nay
- » Góp phần ổn định cuộc sống cho nhiều hộ DTTS ở tỉnh Đắk Nông
- » “Cầu nối” để thanh niên khởi nghiệp
- » CCB với cuộc chiến giảm nghèo
- » Người nghèo ở Thuận Bắc làm giàu từ vốn nhỏ
- » Đưa vốn tín dụng chính sách đến với phụ nữ nghèo
- » Giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS
- » NHCSXH và TW Hội CCB Việt Nam sơ kết công tác ủy thác cho vay
- » Nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo