Đưa vốn tín dụng chính sách đến với phụ nữ nghèo

14/08/2018
(VBSP News) Với dư nợ của NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc ủy thác qua Hội Phụ nữ tỉnh đạt 850 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho hơn 30.000 hội viên nghèo được vay vốn. Đây thực sự là cầu nối giúp hội viên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Gia đình chị Vũ Thị Nhung ở thôn Yên Lập, xã Tứ Yên, huyện Sông Lô vay vốn nuôi gia cầm

Gia đình chị Vũ Thị Nhung ở thôn Yên Lập, xã Tứ Yên, huyện Sông Lô vay vốn nuôi gia cầm

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động khai thác, huy động, quản lý nguồn vốn để hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ phát triển kinh tế thông qua các chương trình quốc gia giảm nghèo, giải quyết việc làm, nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế, vốn từ NHCSXH.

Đến nay, riêng hoạt động ủy thác với NHCSXH, dư nợ của hội đạt hơn 850 tỷ đồng, cho hơn 30.000 hội viên phụ nữ, các đối tượng chính sách vay để phát triển SXKD.

Để bảo đảm nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cơ sở hội tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng cũng như quy định của NHCSXH về tiêu chuẩn cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách… hội tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay đối với từng cấp hội; tiến hành bình xét công khai các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đưa vào danh sách đề nghị vay vốn.

Ngoài ra, hội còn chỉ đạo Hội Phụ nữ ở cơ sở tích cực phối hợp cùng NHCSXH tổ chức giao ban thường xuyên để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Các cấp hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, công nghệ chăn nuôi, trồng trọt… thu hút hơn 210 nghìn lượt hội viên, phụ nữ tham gia.

Thông qua các lớp tập huấn, các hội viên nắm chắc và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình đã được áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao như: Mô hình trồng rau sạch, rau an toàn; mô hình trồng khoai Yên Quán, cà chua ghép, thanh long đỏ, rau su su; mô hình chăn nuôi bò sữa, nuôi gà…

Hội Phụ nữ huyện Yên Lạc là điển hình trong công tác phối hợp với NHCSXH tổ chức 38 buổi giám sát tại 17 cơ sở hội và 106 Tổ tiết kiệm và vay vốn; tiến hành đối chiếu dư nợ 100% hộ vay. Đến nay, hơn 90% số hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả vốn, lãi đúng kỳ hạn.

Huyện hội phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất, chăn nuôi cho các hộ vay vốn; xây dựng nhiều mô hình SXKD, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm dạy nghề tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho hơn 4.200 lao động…

Qua đó, nhiều hội viên đã đầu tư chuyển đổi hình thức SXKD, phát triển trang trại và các nghề truyền thống, từng bước cải thiện và nâng cao mức sống của gia đình, góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của huyện. Hội đã giúp hơn 1.000 hộ phụ nữ thoát nghèo, đời sống ổn định, trong đó, nhiều chị em có thu nhập hàng năm đạt từ 80 - 130 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương.

Bà Đặng Thị Kiều Oanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Lạc cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện, đã có hàng nghìn hội viên được tiếp cận vốn vay ưu đãi thông qua hoạt động ủy thác vay vốn giữa Hội Phụ nữ huyện với NHCSXH; nhiều hội viên đã thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định. Qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của các cấp hội trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

Hiệu quả hoạt động ủy thác với NHCSXH đã có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động của Hội Phụ nữ các cấp và phong trào phụ nữ; là động lực để hội viên phụ nữ tích cực tham gia SXKD, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo Minh Thu Báo Vĩnh Phúc

Các tin bài khác