Nhiều hộ dân xã Bản Lầu thoát nghèo nhờ vốn vay NHCSXH
Với mục tiêu hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, NHCSXH huyện Mường Khương đã triển khai các chương trình ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác… góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Ông Vũ Đức Minh - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Mường Khương cho biết, hiện nay NHCSXH huyện đang thực hiện cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn. Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2018 đạt trên 48 tỷ đồng với 1.287 lượt khách hàng tham gia vay vốn, tổng dự nợ các chương trình cho vay thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể đến nay hơn 274 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,8% trong tổng dư nợ. NHCSXH huyện cũng luôn bám sát các mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện, được cấp ủy chính quyền địa phương tin tưởng đánh giá là một công cụ, một kênh quan trọng trong các giải pháp giảm nghèo.
Cùng với nhiều địa phương trong toàn huyện Mường Khương, Bản Lầu là một trong những xã có số hộ vay vốn từ NHCSXH huyện tương đối lớn, tính đến nay tổng dư nợ toàn xã gần 30 tỷ đồng, với 643 khách hàng tham gia vay vốn. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện mà cuộc sống của nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã có nhiều đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Trên khắp các nương đồi khu vực các thôn Na Lốc, Cốc Phương bạt ngàn những đồi nương dứa, chuối và nhờ những cây trồng này nhiều hộ đã thoát nghèo, các hộ không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình, nhiều hộ thu nhập bình quân 80 - 100 triệu đồng, có những hộ còn cho thu nhập nhờ trồng dứa, chuối từ 300 - 500 triệu đồng mỗi năm.
Thào Thắng sinh năm 1980, người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu. Miền quê của Thào Thắng là vùng cao biên giới, địa hình phức tạp, nhiều vực sâu chia cắt, đất canh tác nông nghiệp hạn chế không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, vì thế anh suy nghĩ rất nhiều xem trồng cây gì mang lại hiệu quả thiết thực, tận dụng được diện tích đất đai, đồi núi có sẵn, tránh sự bạc màu của đất… Thào Thắng tâm sự: “Thôn mình chỉ cách đất Trung Quốc bằng con suối, nhìn sang những đồi nương dứa, chuối bên đó xanh mướt quả to, đẹp mà không biết tại sao họ trồng được vậy và mình đã quyết tâm sang Trung Quốc tìm hiểu”. Ngày tháng trôi đi, sau khi được chút “vốn liếng” kinh nghiệm, Thắng trở về thôn bắt tay vào trồng dứa, chuối. Những ngày đầu không có vốn, anh đi làm thuê đủ các nghề từ trồng ngô, lúa nước… Và rồi từ những đồng vốn ít ỏi tích cóp được cũng như được gia đình, bạn bè động viên giúp đỡ, cộng với số vốn vay từ NHCSXH huyện 50 triệu đồng, Thào Thắng đã trồng những nương dứa đầu tiên. Liên tiếp những năm sau đó, sản lượng dứa, chuối ngày một tăng và anh thuê người làm rồi mở rộng diện tích. Hiện nay, Thào Thắng đã trở thành ông “vua” của chuối, dứa ở vùng đất quê mình. Hằng năm “vua” chuối dứa này thu hoạch 200 - 300 triệu đồng trên gần 5ha dứa, chuối. Anh cũng đã mua được ô tô tải để vận chuyển hàng từ Cốc Phương đi tiêu thụ sang thị trường trong nước và Trung Quốc.
Gia đình Anh Giàng Vư sinh năm 1984 ở thôn Na Lốc I là hộ cận nghèo được NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay để phát triển kinh tế. Với số vốn được vay ban đầu gia đình anh đã đầu tư vào trồng dứa, tuy nhiên với nhu cầu kinh tế thị trường và mong muốn mở rộng diện tích dứa của gia đình, đến năm 2018 anh đã trả số vốn ban đầu và mong muốn NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu để đầu tư mở rộng thêm diện tích. Hiện số diện tích dứa của gia đình đang sinh trưởng và phát triển tốt, Ngoài ra ra gia đình anh Vư, gia đình anh Lý Sùng Sinh, anh Sùng Dính cùng thôn Na Lốc 2 cũng được NHCSXH huyện hỗ trợ cho vay 50 triệu để đầu tư trồng dứa, trồng chuối. Ngoài những hộ gia đình trên còn rất nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn xã Bản Lầu nói riêng, huyện Mường Khương nói chung được NHCSXH huyện tạo điều kiện vay vốn để phát triển sản xuất. Đây thực sự kênh tín dụng ưu đãi phù hợp, là cầu nối Đảng, Nhà nước với mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là các hộ thuộc diện hộ cận nghèo, hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện.
Hiệu quả từ việc làm tốt công tác tín dụng chính sách xã hội giúp huyện Mường Khương đã từng bước nâng cao tiêu chí thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Có thể khẳng định, các chính sách tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện, kết hợp với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao KHKT đã giúp cho đời sống của các hộ nghèo trong huyện có nhiều chuyển biến rõ rệt. Từ những phương thức sản xuất lạc hậu, manh mún, mang tính tự cung tự cấp dựa nhiều vào tự nhiên là chủ yếu, đến nay nhiều hộ nghèo của huyện đã biết áp dụng theo những tiến bộ khoa học mới, đầu tư chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả đặc sản…, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá giả, có thu nhập ổn định, xây dựng nhà ở kiên cố, mua sắm các trang thiết bị sinh hoạt tiện nghi, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài và ảnh Ngô Huy Báo KD&PL
Các tin bài khác
- » Nhiều gương thoát nghèo điển hình ở Đắk Lắk
- » Hơn 85% hộ đồng bào DTTS tại tỉnh Đắk Nông được vay vốn ưu đãi
- » Đồng hành cùng HSSV có hoàn cảnh khó khăn bước vào năm học mới
- » Vốn nhỏ góp sức xây dựng NTM
- » Viết tiếp những giấc mơ tới trường cho trẻ em nghèo Bắc Kạn
- » Việt Nam sẽ nghiên cứu các mô hình hiệu quả phát triển nhà ở cho người dân
- » Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho thương binh Nguyễn Văn Ích
- » Xây dựng nông thôn mới từ tín dụng chính sách
- » Vốn vay giúp người trồng hoa ở Sa Pa giàu có hơn
- » Mù Cang Chải thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay chính sách