Việt Nam sẽ nghiên cứu các mô hình hiệu quả phát triển nhà ở cho người dân
Dự buổi tiếp còn có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý và đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Đức là quốc gia phát triển, có quan hệ hữu nghị truyền thống, là đối tác chiến lược của Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn có mối quan hệ chặt chẽ, ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế. Trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam học hỏi được rất nhiều từ những mô hình và cách thức phát triển của Đức.
Là người luôn đặc biệt quan tâm đến các chính sách phát triển nhà ở, Phó Thủ tướng cho biết đã nghiên cứu kỹ và đánh giá rất cao các chính sách nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại Đức. Trong thực hiện các chính sách đó, ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân tiết kiệm để có nguồn tài chính, sở hữu nhà ở.
“Việt Nam là nước đang phát triển, dân số tăng nhanh, đặc biệt là tầng lớp trẻ, trong đó, nhu cầu về nhà ở rất lớn và ngày càng tăng nhanh. Phát triển nhà ở để mọi người dân có nhà ở là mục tiêu cả trước mắt và dài hạn của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách để chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Tuy nhiên do nguồn lực hạn chế, hiệu quả của các chính sách này chưa như mong muốn.
Hiện nay, những người thu nhập trung bình đang có xu hướng dịch chuyển về các đô thị lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất… trong khi chưa có chính sách để hỗ trợ nhà ở cho họ. Do vậy, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các mô hình, cách làm hay của quốc tế, trong đó có chính sách khuyến khích người lao động tiết kiệm một cách khoa học để mua nhà như cách thức mà ngân hàng tiết kiệm nhà ở đang triển khai tại Đức. “Khi đó, thị trường bất động sản, bộ mặt đô thị, đời sống của người dân sẽ phát triển tốt hơn”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng giao NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, NHCSXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở Schwäbisch Hall và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam để xây dựng mô hình phù hợp khuyến khích người dân tiết kiệm để có thể mua nhà.
Phát biểu tại buổi tiếp, ông Michael Dorner cho biết, mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở đã có lịch sử hơn 90 năm phát triển với nhiều thành công tại Đức. Mô hình này cũng đang được triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia châu Âu, Trung Quốc. Vì vậy, “chúng tôi sẵn sàng trao đổi, chia sẻ mô hình, kinh nghiệm với Việt Nam”, ông Michael Dorner khẳng định.
Hiện nay ở Đức có 20 ngân hàng tiết kiệm nhà ở, trong đó có 8 ngân hàng nhà nước và 12 ngân hàng tư nhân. Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwabisch Hall AG (BSH) dẫn đầu thị trường Đức trong lĩnh vực tiết kiệm nhà ở và là ngân hàng tiết kiệm nhà ở lớn nhất thế giới.
Khi vay tiền tại đây, khách hàng có thể lựa chọn các hình thức vay tiết kiệm nhà ở. Theo đó, khách hàng ký hợp đồng tiết kiệm nhà ở, thỏa thuận với BSH về mức tiền tiết kiệm và thực hiện tiết kiệm hằng tháng với lãi suất cố định.
Khi đã tiết kiệm được tối thiểu từ 40% - 50% giá trị căn nhà cần mua trong một khoảng thời gian nhất định, khách hàng được vay phần còn lại với lãi suất thấp hơn nhiều so với thị trường. Mặt khác, khách hàng cũng có thể kết hợp giữa vay tiết kiệm nhà ở và vay thông thường.
Theo Báo Điện tử CP
Các tin bài khác
- » Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho thương binh Nguyễn Văn Ích
- » Xây dựng nông thôn mới từ tín dụng chính sách
- » Vốn vay giúp người trồng hoa ở Sa Pa giàu có hơn
- » Mù Cang Chải thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay chính sách
- » Những CCB góp sức làm giàu quê hương Phú Thọ
- » Đón đầu xu hướng ngân hàng số cho người nghèo
- » Phát huy nguồn vốn chính sách xã hội
- » Hoạt động tín dụng chính sách ở Hậu Giang
- » Đòn bẩy cho xuất khẩu lao động ở Phong Thổ
- » Biến đam mê thành hiện thực