Đón đầu xu hướng ngân hàng số cho người nghèo

31/07/2018
(VBSP News) Thời gian qua, ngân hàng số được nhiều ngân hàng lựa chọn áp dụng, không chỉ đem lại trải nghiệm tốt hơn cho các khách hàng ở thành thị, mà còn mở rộng tiếp cận đến các đối tượng khách hàng yếu thế hơn trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội cũng đi kèm những thách thức không nhỏ.
Tọa đàm “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Phổ cập dịch vụ tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội

Tọa đàm “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Phổ cập dịch vụ tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội

Xu hướng ngân hàng di động

Hiện nay, trên thế giới vẫn còn hai tỷ người chưa tiếp cận và sử dụng bất kỳ một dịch vụ tài chính chính thức nào, hầu hết đều sinh sống tại các nước đang phát triển và kém phát triển. Tại Việt Nam, cho dù hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng không phải mọi người dân và doanh nghiệp đều đã được thụ hưởng những thành quả phát triển này. Trong khi những người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn tiếp cận khá dễ dàng, người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là phụ nữ vẫn đang gặp không ít trở ngại.

Là một trong những tổ chức tài chính vi mô hàng đầu của Việt Nam, NHCSXH luôn dẫn đầu về số lượng và mức độ bao phủ trên toàn quốc. Gắn bó với người nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH đã và đang thực hiện các bước đi cần thiết để tăng cường phát triển tài chính toàn diện trong cộng đồng khách hàng của ngân hàng nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Cụ thể, nhằm nghiên cứu, xây dựng lộ trình, chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số tại Việt Nam, năm 2016, NHCSXH phối hợp Quỹ Châu Á (TAF) và MasterCard triển khai thực hiện Dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Phổ cập dịch vụ tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam”. Theo đó, từ cuối năm 2016, NHCSXH đã triển khai dịch vụ tin nhắn qua điện thoại di động tới khách hàng tại 63 chi nhánh tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - NHNN Việt Nam Hà Hải An, mô hình ngân hàng di động triển khai tại NHCSXH bước đầu đã hỗ trợ việc gửi tin nhắn thông báo đến điện thoại di động, qua đó khách hàng có thể dễ dàng nắm bắt thông tin về thay đổi số dư tài khoản, đối chiếu dư nợ khoản vay và số dư tiền gửi, nhận được báo nhắc nợ đến hạn… mà không phải đến chi nhánh ngân hàng, giúp khách hàng chủ động quản lý, kiểm soát dòng tiền và chủ động lên kế hoạch trả nợ. “Điều này giúp cung cấp thông tin kịp thời đến khách hàng, tăng cường tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, cũng như bước đầu giúp khách hàng tại nông thôn làm quen với công nghệ số, tạo nền tảng quan trọng để NHCSXH tiếp tục mở rộng phạm vi dịch vụ, qua đó cho phép khách hàng có thể thực hiện chuyển tiền, thanh toán qua dịch vụ ngân hàng di động/internet…”, ông Hà Hải An nhấn mạnh. Theo số liệu mới nhất từ NHCSXH, đến nay, ngân hàng đã gửi 6.906.611 tin nhắn cho khách hàng với số lượng tin nhắn gửi đi thành công là 6.904.804 tin. Thời gian tới, NHCSXH dự kiến sẽ thực hiện triển khai thí điểm dịch vụ Mobile banking tới 850 Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (với hơn 30 nghìn tổ viên) thực hiện các giao dịch ngân hàng thông qua điện thoại di động.

Rủi ro an toàn bảo mật

Có thể thấy, ngân hàng số là xu hướng và đã được nhiều ngân hàng lựa chọn áp dụng. Tuy nhiên, hoạt động trên nền tảng công nghệ số cũng đi kèm với những thách thức không nhỏ như an toàn bảo mật, nguy cơ rò rỉ thông tin, dữ liệu khách hàng, giao dịch gian lận, lừa đảo trực tuyến… Theo Phó Giám đốc Trung tâm CNTT NHCSXH Lưu Thị Thảo, trong quá trình triển khai dịch vụ tin nhắn qua điện thoại di động, nhiều khó khăn cũng đã nảy sinh như: Khách hàng thường xuyên thay đổi số điện thoại, không biết chữ hoặc ít dùng tin nhắn; sự phối hợp từ nhà mạng; phí tin nhắn brandname cao; sóng điện thoại yếu, không ổn định ở vùng xa;… Vì vậy, những giải pháp đang được ngân hàng lưu ý đó là: thường xuyên tuyên truyền, tập huấn, rà soát, cập nhật thông tin; sử dụng dịch vụ đầu số và tăng cường phối hợp với các nhà mạng. Ngoài ra, cơ quan này cũng kiến nghị Chính phủ và NHNN cần tiếp tục có những giải pháp nâng cao trình độ hiểu biết tài chính và công nghệ của người dân; phát triển hạ tầng viễn thông; giá cước viễn thông hợp lý; tạo môi trường pháp lý và chính sách phù hợp.

Đại diện Vụ Thanh toán (NHNN) cũng cho biết, việc phát triển ngân hàng di động tại Việt Nam cũng đang gặp một số khó khăn, thách thức như: chưa có cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý; thiếu cơ sở hạ tầng dữ liệu định danh điện tử; mạng lưới chi nhánh, hạ tầng giao dịch ngân hàng chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, thành thị…, nhất là vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trước rủi ro an ninh mạng, các hành vi lừa đảo, gian lận. Do đó, NHNN cũng như các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, ưu tiên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hoạt động ngân hàng trong thời gian tới. Đồng thời, chỉ đạo và hoàn thiện các quy định pháp lý về an ninh, an toàn, bảo mật, bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán điện tử, thanh toán di động. Hoàn thiện quy trình xử lý giao dịch của ngân hàng theo hướng số hóa, tự động hóa, an toàn và thuận tiện. Theo như bà Vũ Thị Thanh Huyền - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội): “Việc nhận được thông tin giúp các hộ vay nắm bắt thông tin tốt hơn, đỡ mất thời gian đối chiếu dư nợ với ngân hàng khi đến hạn. Việc này cũng tạo sự liên kết chặt chẽ trong công tác quản lý tiền gửi, nguồn vốn vay đạt hiệu quả tốt hơn, góp phần nâng cao tính minh bạch, giảm tỷ lệ quá hạn”.

Trước khi chưa triển khai dịch vụ tin nhắn đối chiếu nợ, chi phí để gần 860 nghìn khách hàng tại 10 tỉnh, thành phố đi đối chiếu dư nợ với ngân hàng là khoảng 43 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc giúp khách hàng tiết kiệm số chi phí trên. Đối với ngân hàng, nếu sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS với 250 đồng/tin nhắn, 10 chi nhánh chỉ mất 214 triệu đồng, tiết kiệm gấp hơn 12 lần so với chi phí hoạt động trước đây.

Bài và ảnh Hồng Anh

Các tin bài khác