Vốn vay giúp người trồng hoa ở Sa Pa giàu có hơn

02/08/2018
(VBSP News) Niềm vui đến với chị Đặng Thị Thoa ở tổ 11, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa (Lào Cai) khi thu hoạch vụ hoa ly đầu tiên, gia đình chị thu gần 250 triệu đồng, vừa thu lại đủ tiền vốn vay ban đầu, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng để có tiền đầu tư thêm giống hoa mới. Từ vốn vay ban đầu vài chục triệu của NHCSXH huyện Sa Pa, chị đầu tư trồng hơn 3 vạn gốc hoa ly, bước đầu đã khẳng định hiệu quả trong việc sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách đúng mục đích.
image001

Chị Đặng Thị Thoa đang thu hoạch hoa ly

Làm nông nghiệp, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” gia đình chị Thoa chăm chỉ trồng rau xanh rồi trồng hoa hồng. Tuy nhiên, có những năm thời tiết bất thuận, sương muối và sâu bệnh nên dù vất vả “một nắng, hai sương” nhưng trồng rau thu nhập không đáng là bao. Thời gian trồng hoa hồng đầu ra cũng bấp bênh, năm được năm mất. Sau 4 năm trồng hoa hồng, chị nghĩ đến việc thay thế cây trồng khác, tìm hướng đi mới với mong muốn có nguồn thu nhập cao hơn.

Đang loay hoay với bài toán tìm nguồn vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình chị Thoa được NHCSXH huyện cho vay vốn. Năm 2017, gia đình chị được vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm. Có vốn, chị quyết định đầu tư trồng hoa ly vàng. Vụ đầu tiên, gia đình trồng hơn 3 vạn gốc hoa, mua lưới, cây chống về làm giàn che phủ. Chị cần mẫn chăm sóc theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây, từ lúc xuống giống đến khi lên cây và ra nụ. Ngoài lao động của gia đình, chị còn thường xuyên thuê thêm lao động là bà con người Mông, người Dao ở các xã tranh thủ lúc nông nhàn chăm sóc, làm cỏ, tưới cây với mức thù lao 200 nghìn đồng/ngày công lao động. Từ trồng hoa ly, ngoài 2 lao động chính của gia đình, chị còn tạo thêm việc làm theo mùa vụ cho hơn 10 lao động địa phương.

Sau 4 tháng trồng, gia đình chị thu gần 250 triệu đồng từ bán hoa ly cắt cành. Với giá bán tại vườn 20 nghìn đồng/cành, thương lái các tỉnh vùng xuôi mang xe bảo ôn lên tận vườn thu mua, gia đình không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Sau khi thu hoạch hoa, phần gốc chị lại chăm sóc để tái sinh cây mới, tận dụng thêm 1 vụ hoa nữa, nhưng hoa vụ thứ 2, cây sinh trưởng kém hơn, thường ra bông nhỏ hơn, hoa bán không được giá như hoa thu hoạch vụ đầu. Tuy nhiên, hoa vụ thứ 2 bán rải vụ thị trường nội tỉnh cũng đem lại nguồn thu bù vào chi phí phân bón, tiền thuê nhân công lao động. Ngoài 3 vạn gốc ly vàng cũ, năm 2018, gia đình chị dùng tiền lãi từ vụ hoa năm trước tiếp tục mở rộng diện tích, đầu tư hơn 3 vạn gốc ly tím. Hiện nay, cây sinh trưởng, phát triển tốt, sắp đến kỳ thu hoạch hoa, hứa hẹn một vụ trồng hoa hiệu quả. Chị Thoa chia sẻ: “Nếu không có nguồn vốn vay từ NHCSXH, tôi cũng không dám đầu tư trồng hoa ly vì nguồn vốn ban đầu lớn. Nguồn vốn đã tiếp sức cho gia đình trồng hoa ly cắt cành. Lần đầu tiên, gia đình có nguồn thu lớn từ nghề trồng hoa. Trong tương lai, nếu vụ ly tím tiếp tục thành công, gia đình sẽ đầu tư mở rộng diện tích, vừa tăng thu nhập cho gia đình, đồng thời tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Thời gian qua, không chỉ gia đình chị Thoa, mà hàng trăm hộ trồng hoa khác ở Sa Pa được tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng chính sách từ NHCSXH huyện. Ông Bùi Ngọc Quang - Giám đốc NHCSXH huyện Sa Pa cho biết: Trong năm 2017, từ nguồn ngân sách huyện chuyển sang bổ sung vốn vay tín dụng chính sách, đã có 294 hộ trồng hoa trên địa bàn được vay vốn (mỗi hộ được vay từ 20 đến 50 triệu đồng). Đây là chương trình cho vay giải quyết việc làm, trước khi giải ngân, các xã lập dự án trình UBND huyện thẩm định (các cơ quan chuyên môn thẩm định là Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Tài chính). Sau khi được UBND huyện phê duyệt dự án, NHCSXH huyện Sa Pa mới giải ngân. Việc quản lý vốn này khá chặt chẽ theo quy trình, sát với tình hình thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từ đó đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và nâng cao chất lượng tín dụng.

Thực tế triển khai cho các hộ trồng hoa cao cấp, hoa địa lan và một số loài hoa khác trên địa bàn huyện Sa Pa vay vốn đã khẳng định hiệu quả là “đòn bẩy” trong phát triển nghề trồng hoa ở Sa Pa.

Theo Kiều Lê Báo Lào Cai

Các tin bài khác