Những CCB góp sức làm giàu quê hương Phú Thọ

31/07/2018
(VBSP News) Nhìn nhiều đồi chè bạt ngàn đang trong độ thu hoạch trải khắp đồi núi - Giám đốc HTX chè Minh Tiến, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) Nguyễn Trung Thành, thương binh 4/4, hồ hởi khoe: “Nhờ sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách hiệu quả mà Hợp tác xã chè cùng nhiều bà con trong xã đã thoát nghèo.Vui nhất là chất lượng sử dụng vốn tín dụng chính sách luôn được củng cố và nâng cao, toàn xã không có nợ quá hạn phát sinh”.
hai-che

Nhờ nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho sản lượng thu hoạch của HTX chè Minh Tiến phát triển và tăng đều qua các năm, tạo ra nhiều việc làm ổn định cho địa phương

Tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, sau khi bị thương năm 1979, ông Nguyễn Trung Thành trở về quê hương tại thôn 1 xã Minh Tiến. Nhìn cảnh vật khô cằn, sỏi đá và cuộc sống của bà con thôn xóm nhọc nhằn mà lòng người CCB luôn trăn trở. Với tinh thần: “Trước thắng giặc, nay thắng nghèo” “CCB phải là lực lượng tiên phong đi đầu trong các trận tuyến mới”, ông Thành đã mạnh dạn tập hợp 18 hộ dân vốn có nghề làm chè, động viên họ vay vốn ưu đãi, chung sức xây dựng mô hình HTX trồng và chế biến chè Minh Tiến. Với hình thức quản lý là máy móc sao, sấy chè giao xuống tận gia đình xã viên, nguyên liệu chè búp tươi tại chỗ, HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm… Nhờ vậy, HTX chè Minh Tiến ngày một phát triển, mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 700 tấn chè búp nguyên liệu, thu nhập bình quân của mỗi xã viên hơn 5 triệu đồng/tháng. Đại bộ phận xã viên thoát nghèo bền vững, trả đầy đủ nợ vay cho ngân hàng nhờ trồng và chế biến chè xanh đặc sản. Tiêu biểu như cơ sở chè của gia đình CCB Đinh Văn Vinh, Đặng Thế Kiên mỗi ngày sao sấy hơn 1 tạ chè khô, còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

CCB Nguyễn Trung Thành chia sẻ “Nhờ nguồn vốn vay chính sách đầu tư và áp KHKT vào dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nên HTX chè Minh Tiến xuất ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng. Qua đó giúp tạo ra nhiều việc làm ổn định cho bà con trong vùng và chất lượng cuộc sống ngày càng đi lên”.

Đánh giá về mô hình HTX chè Minh Tiến do CCB Nguyễn Trung Thành làm chủ, Chủ tịch UBND xã  Minh Tiến Vũ Đình Tâm cho biết: “HTX chè do thương binh Thành làm Giám đốc là một điển hình trong phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ mô hình này các tổ chức hội trên địa bàn xã Minh Tiến sẽ triển khai và nhân rộng nhằm giảm nghèo bền vững cho hội viên”.

2

Giám đốc HTX chè Minh Tiến Nguyễn Trung Thành (áo tím thứ 2 từ trái qua) giới thiệu sản phẩm chè chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap được thị trường đón nhận tích cực

Không chỉ riêng Đoan Hùng mà trên toàn tỉnh Phú Thọ xuất hiện nhiều tấm gương thương, bệnh binh hăng say dấn thân vào mặt trận kinh tế để vượt khó, giảm nghèo, làm giàu đáng trân quý.

Đó là CCB Đinh Khắc Trực ở xóm Thang, xã Xuân Đài, huyện 30a Tân Sơn. Mười lăm năm trước, CCB Đinh Khắc Trực xuất ngũ trở về địa phương xây dựng tổ ấm từ 2 bàn tay trắng. Thời gian đầu bắt tay làm kinh tế do không có kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Với bản chất của bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo CCB Đinh Khắc Trực đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều địa phương. Ngay khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, CCB Trực mạnh dạn nhận 13ha rừng để trồng keo. Những năm đầu, bên cạnh trồng keo, gia đình còn trồng xen canh cây ngắn ngày như ngô, sắn, đỗ tương… một phần để làm thức ăn chăn nuôi và một phần để bán. Với 5 triệu đồng vốn vay từ NHCSXH, ông đầu tư mua 2 con bò sinh sản, thực hiện phương châm “bê cái thì để nuôi nhằm tăng đàn, bê đực bán để lấy tiền đầu tư tiếp” cứ thế mỗi năm đàn trâu, bò tăng lên có thời điểm tổng đàn đạt 65 con. Số tiền thu về từ chăn nuôi trâu, bò cứ thế lớn dần lên.

CCB Đinh Khắc Trực cho biết: “Đến nay, 13ha rừng đã cho thu 3 kỳ, bình quân cứ 1ha thu từ 50 - 60 triệu đồng. Hiện tổng đàn trâu, bò có 28 con”. Không chỉ làm kinh tế giỏi, khi địa phương có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, ông Trực còn tham gia hiến hơn 1ha đất để làm đường góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng nông thôn trên quê hương.

Hay trường hợp của CCB Chu Văn Mạnh ở khu 5 xã Đồng Lĩnh, huyện Thanh Ba là thương binh hạng 2/4. Sau khi xuất ngũ về địa phương, người CCB cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu vốn sản xuất. Không cam chịu đói nghèo, khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi mạnh dạn vay đầu tư trồng 7ha cây nguyên liệu giấy, đào 6 sào ao nuôi cá và gần 200m2 để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Lấy ngắn nuôi dài, ông xây dựng chuồng trại nuôi 10 lợn nái, 30 lợn thịt mỗi lứa cùng hơn 100 vịt đẻ và 100 gà thịt. Hằng năm, sau khi trừ các khoản chi phí mô hình trang trại đã đem về cho gia đình ông nguồn thu gần 200 triệu đồng.

Hội CCB tỉnh Phú Thọ đã đang là một trong những hội cấp tỉnh thực hiện tốt công tác ủy thác vốn vay ưu đãi. Nhờ nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH. Nhiều hội viên đã thoát nghèo bền vững làm kinh tế giỏi. Phát huy thành tích đạt được thời gian tới, Hội CCB tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, khai thác tất cả các chương trình tín dụng chính sách, tập trung ưu tiên đầu tư hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phối hợp chặt trẽ với NHCSXH, với các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa bàn bình xét cho vay dân chủ, khách quan, động viên quản lý chắc hội viên vay vốn và sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.

Hiện nguồn vốn tín dụng ưu đãi uỷ thác qua Hội CCB tỉnh Phú Thọ đạt trên 750 tỷ đồng với trên 32 ngàn hộ vay vốn, trong đó có gần 5 ngàn hộ là CCB, góp phần giúp đỡ hàng ngàn hộ gia đình đồng bào DDTS thoát nghèo bền vững, xóa được 267 căn nhà dột nát, tạm bợ cho hội viên

Bài và ảnh Lương Xuân - Đông Dư

Các tin bài khác