CCB với cuộc chiến giảm nghèo
Xuất hiện nhiều mô hình hay
Là một trong những hộ nghèo nhất nhì của xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), gia đình CCB người dân tộc Mường, Đinh Công Bột đã trở thành tấm gương thoát nghèo bằng những đồng vốn từ NHCSXH. Ông Bột cho hay, rời quân ngũ, trở về quê hương với hai bàn tay trắng. Lúc đó, thấy có hơn 4ha đất rừng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, ông đã xin chính quyền cho cải tạo lại, đầu tư trồng cây keo. Tuy nhiên, mới chỉ trồng được một phần, toàn bộ vốn liếng dành dụm mất sạch, cuộc sống của gia đình càng trở nên cùng quẫn.
Tới cuối năm 2017, ông Bột được NHCSXH huyện Thanh Sơn ủy thác qua Hội CCB xã cho vay 50 triệu đồng. “Có vốn, tôi dốc hết mua cây giống, tiếp tục cải tạo khu rừng tạp và mua thêm trâu bò về nuôi. Tôi coi đó như một canh bạc và phải thắng nó bằng mọi giá”, ông Bột kể lại.
Quyết tâm sắt đá và sự dũng cảm của người lính đã giúp ông “thắng canh bạc đói nghèo”. Hiện gia đình ông có 3 con trâu, bò đã lớn và hơn 4ha rừng keo chừng một, hai năm nữa sẽ cho thu hoạch. Nếu xuất bán tổng thể cũng cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng. Tuy nhiên, thời điểm này dù mọi tính toán mới chỉ trên giấy nhưng gia đình CCB này đã xin rút khỏi danh sách hộ nghèo - như một động lực để người lính thoát nghèo nhanh hơn.
Một điển hình khác không thể không nhắc đến là CCB Phạm Xuân Vinh ở Chi hội Đồng Tâm, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn. Phát huy thế mạnh trồng và sản xuất chè của địa phương; cùng với sự khuyến khích, ủng hộ của hội, ông Vinh trồng 1ha chè, 500 gốc bưởi và 1.000m2 ao cá; đầu tư máy sấy, máy vò, máy sao, máy hút chân không và đóng gói để tự chủ được sản xuất chè từ khâu trồng đến thành phẩm. Ông Vinh chia sẻ, ngoài sự giúp đỡ của hội, ông Vinh tự tìm các loại sách liên quan đến kỹ thuật, cách chăm sóc cây trồng vật nuôi, từ đó, hiểu được lợi thế của đất để phát huy tối đa hiệu quả trồng trọt. Nhờ vậy, đến nay mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, hiện có 362 hội viên sinh hoạt tại 11 chi hội cơ sở. Thời gian qua, hội luôn tạo điều kiện cho hội viên phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, do đó phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cũng lan rộng. Hội duy trì hoạt động ủy thác với NHCSXH huyện để hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, đã có nhiều hội viên được vay vốn với tổng dư nợ trên 5 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về hoạt động nhận ủy thác, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Phú Thọ Đỗ Hữu Lễ cho biết, hiện dư nợ ủy thác qua hội đạt hơn 897 tỷ đồng, chiếm 23,3%/tổng dư nợ ủy thác với gần 31 nghìn hộ vay; tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,2%. Nguồn vốn đã giúp nhiều hội viên, hộ gia đình CCB có điều kiện đầu tư phát triển SXKD, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Hơn 1 triệu hộ còn dư nợ
Nguồn vốn từ NHCSXH đã giải quyết việc làm cho gần 66.000 lao động là hội viên Hội CCB; giúp 16.000 hộ CCB thoát nghèo, trên 7.000 hộ thoát cận nghèo và xóa hơn 3.000 căn nhà dột nát, tạm bợ cho hội viên.
Là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban về công tác ủy thác cho vay vốn ưu đãi 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 giữa NHCSXH và Hội CCB vừa tổ chức mới đây. Theo đó, đến nay NHCSXH ủy thác qua kênh Hội CCB với tổng dư nợ đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 2.198 tỷ đồng so với năm 2017; với hơn 1,075 triệu hộ đang vay tại 31.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, ấp, bản, làng.
Đây là kết quả đáng tự hào như đánh giá của Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý về những đóng góp của Hội CCB trong việc dẫn vốn tới tay các cựu binh. “Hiện NHCSXH đang giải quyết những vấn đề căn bản về đồng bào DTTS, trong đó có tín dụng chính sách cho đồng bào DTTS. Các hoạt động của NHCSXH bước vào giai đoạn mới; các chương trình tín dụng ưu đãi đang đi vào chiều sâu với nhiều thành tích đáng tự hào. Thành công đó có vai trò không nhỏ của Hội CCB trong việc đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng nhanh nhất, chi phí thấp, mang lại hiệu quả cao”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý cho biết thêm.
Bên cạnh đó, đi kèm với hiệu quả của tín dụng chính sách là công tác an sinh xã hội và góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Đây là điểm khác biệt và nổi bật của NHCSXH hơn 16 năm qua, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Để phát huy và làm tốt hơn nữa việc chuyển tải vốn tới tay người nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý đề nghị, Hội CCB cần tham mưu cho các Bộ, ban ngành chức năng, đề xuất với Chính phủ xem xét, nâng mức cho vay một số chương trình tín dụng chính sách như hộ nghèo, học sinh sinh viên; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… để bảo đảm đủ chi phí cho HSSV theo học tại các trường đại học, cao đẳng và người nghèo có đủ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.
Về phía Hội CCB, Trung tướng Nguyễn Văn Đạo - Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam khẳng định, Hội CCB xác định hoạt động ủy thác với NHCSXH là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Các chương trình vốn vay ưu đãi luôn được các cấp hội lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyên lâm giúp đồng bào nghèo nói chung và hội viên nói riêng có việc làm, có vốn sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống.
Trung tướng Nguyễn Văn Đạo khẳng định, thời gian tới, hội sẽ phối hợp với cấp ủy chính quyền, NHCSXH và các tổ chức hội, đoàn thể làm tốt hơn nữa công tác nhận ủy thác, góp phần đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo của quốc gia.
Bài và ảnh Bình Nhi
Các tin bài khác
- » Người nghèo ở Thuận Bắc làm giàu từ vốn nhỏ
- » Đưa vốn tín dụng chính sách đến với phụ nữ nghèo
- » Giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS
- » NHCSXH và TW Hội CCB Việt Nam sơ kết công tác ủy thác cho vay
- » Nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo
- » Điểm tựa của nhà nông
- » Giảm nghèo ở Đăk Hà
- » Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
- » Nhiều hộ dân xã Bản Lầu thoát nghèo nhờ vốn vay NHCSXH
- » Nhiều gương thoát nghèo điển hình ở Đắk Lắk