“Cầu nối” để thanh niên khởi nghiệp
Đồng hành cùng thanh niên
Mô hình chế biến chè xuất khẩu của thanh niên Lê Thị Hồng Phương ở xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) là ví dụ tiêu biểu cho phong trào thanh niên khởi nghiệp có hiệu quả cao từ nguồn tín dụng ưu đãi. Xuất thân trong gia đình nông thôn, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong suốt 4 năm học đại học mỏ địa chất, chị Phương đã trải qua đủ nghề để có tiền trang trải cuộc sống. Ra trường cơ duyên dẫn Phương đến với cây chè chính là việc chị “đầu quân” về Công ty chè Hiệp Thành (Hà Nội) và gắn bó với nơi này 5 năm. Trong quá trình làm việc, chị học hỏi được kỹ thuật chế biến, sản xuất chè xanh, chè đen. Với vốn kiến thức, kinh nghiệm tích lũy, Phương nhen nhóm xây dựng ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp cho riêng mình nhưng khó khăn lớn nhất với chị là vốn. Thông qua tổ chức Đoàn, chị được vay 215 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm để thực hiện Dự án “Duy trì và mở rộng việc làm ở Công ty phát triển trà mang tên UT. Cùng với tích lũy vốn, chị hoàn thiện mọi thủ tục để thành lập Công ty tại Hà Nội. Sau hơn 1 năm tìm nguồn hàng và thị trường, chị chuyển công ty về xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba, tạo việc làm ổn định cho 15 công nhân có thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, sản phẩm của công ty đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và các nước Đông Nam Á, mỗi năm doanh thu trên 1 tỷ đồng. Thời gian tới, chị dự định mở thêm cơ sở 2 chế biến chè tại xã Vân Lĩnh, tiêu thụ chè nguyên liệu cho nông dân và tạo thêm việc làm cho lao động trong vùng.
Cũng như chị Phương, dù tuổi còn trẻ nhưng đoàn viên Đinh Công Tuân ở xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập đã là chủ trại nuôi hươu quy mô. Có được thành quả đó là nhờ quá trình kiên trì, tự học hỏi. Với số vốn ít ỏi từ gia đình hỗ trợ, anh được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đầu tư mua 3 con hươu giống về nuôi. Anh đã đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều mô hình, học hỏi kinh nghiệm của những người đã thành công, rồi nghiên cứu tài liệu, tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi về phòng trừ bệnh cho hươu. Hiện tại, anh bắt tay vào đầu tư mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại, chuồng trại được đầu tư kiên cố, sạch sẽ, cộng với nguồn thức ăn dồi dào nên đàn hươu tăng trưởng nhanh và sinh sản tốt. Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết: “Không ít bạn trẻ khi bắt tay vào phát triển kinh tế đều không có vốn nên rất dễ nản lòng, buông xuôi. Do đó, nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho thanh niên như lực đẩy giúp chúng tôi phát triển kinh tế”. Đồng hành, hỗ trợ cùng đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp với NHCSXH quản lý tốt vốn vay ủy thác từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm giúp đoàn viên thanh niên dễ dàng tiếp cận và có điều kiện phát triển kinh tế. Nguồn vốn nhận ủy thác được Đoàn Thanh niên các cấp quản lý và bình xét cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo. Việc triển khai thực hiện chương trình vay vốn ưu đãi từ NHCSXH đã tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên mạnh dạn đầu tư có trọng tâm, không dàn trải, đạt hiệu quả nhanh. Đặc biệt, mục đích sử dụng nguồn vốn đã được mở rộng và đa dạng hơn như: Đầu tư chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mở các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, khôi phục các ngành nghề truyền thống. Nhờ có nguồn vốn vay ủy thác mà ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, các câu lạc bộ hỗ trợ nhau SXKD hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Duy trì vai trò “bà đỡ”
Đến nay, các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ từ nguồn vốn vay ủy thác của NHCSXH tỉnh Phú Thọ trên 669 tỷ đồng cho gần 23 ngàn hộ vay, thông qua các nguồn vốn, đã có 122 hợp tác xã, 280 mô hình tổ hợp tác, câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế duy trì hoạt động,320 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, thu hút trên 4.500 đoàn viên thanh niên tham gia. Dư nợ ủy thác qua hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên tập trung vào các chương trình như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, NS&VSMTNT, hộ gia đình SXKD vùng khó khăn, HSSV có hoàn cảnh khó khăn… Nguồn vốn ưu đãi được ủy thác qua Đoàn Thanh niên có sự tăng trưởng ở các huyện, thị với trên 60 tỷ đồng; điển hình như các huyện Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Ba… Một cách làm hay ở huyện đoàn Yên Lập là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác được thực hiện theo quý, 6 tháng, 1 năm, kiểm tra lồng ghép với các nội dung, chương trình công tác đoàn định kỳ. Hằng quý, giao ban định kỳ, huyện đoàn mời lãnh đạo NHCSXH huyện cùng trao đổi, thống nhất tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, vì vậy công tác phối hợp triển khai sử dụng nguồn vốn ủy thác NHCSXH được thực hiện tốt, nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực sự hiệu quả. Hiện nay, với 70 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ gần 84 tỷ đồng, nguồn vốn không chỉ đạt hiệu quả kinh tế mà còn tác động làm thay đổi nhận thức của đoàn viên thanh niên, giúp họ tự vận động để thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ cho biết: “Đoàn Thanh niên nhận quản lý nguồn vốn vay không chỉ sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích mà còn làm tốt công tác thu nợ, thu lãi từ các đối tượng do thanh niên quản lý, vì thế đã phát huy tốt nguồn vốn vay, góp phần vào công cuộc giảm nghèo, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Theo Thanh Nga Báo Phú Thọ
Các tin bài khác
- » CCB với cuộc chiến giảm nghèo
- » Người nghèo ở Thuận Bắc làm giàu từ vốn nhỏ
- » Đưa vốn tín dụng chính sách đến với phụ nữ nghèo
- » Giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS
- » NHCSXH và TW Hội CCB Việt Nam sơ kết công tác ủy thác cho vay
- » Nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo
- » Điểm tựa của nhà nông
- » Giảm nghèo ở Đăk Hà
- » Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
- » Nhiều hộ dân xã Bản Lầu thoát nghèo nhờ vốn vay NHCSXH