Góp phần ổn định cuộc sống cho nhiều hộ DTTS ở tỉnh Đắk Nông

16/08/2018
(VBSP News) Thời gian qua, thông qua nhiều chương trình tín dụng chính sách ưu đãi do NHCSXH tỉnh Đắk Nông triển khai mà hàng chục ngàn hộ DTTS trên địa bàn tỉnh đã được vay vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.
Đồng bào ở bon Bu Pah, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song trồng cây hồ tiêu trên trụ sống để phát triển kinh tế bền vững

Đồng bào ở bon Bu Pah, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song trồng cây hồ tiêu trên trụ sống để phát triển kinh tế bền vững

Khi nguồn vốn tín dụng ưu đãi “gõ cửa”

Nhiều năm trước, mặc dù đã thoát nghèo nhưng khó khăn vẫn cứ đeo bám gia đình bà H’Bơng ở thôn 2, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức. Kinh tế eo hẹp nên việc làm sao để lo đủ bữa ăn, trang trải cho con cái học hành đối với gia đình bà đã khó chứ chưa nói đến phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống.

Đầu năm 2015, gia đình bà được bình xét vào danh sách các hộ vay vốn theo Chương trình cho vay hộ cận nghèo từ NHCSXH huyện. Với số vốn được vay 45 triệu đồng, gia đình bà H’Bơng đã mua 4 con bò về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, cũng như tận dụng nguồn thức ăn dồi dào tại địa phương, đàn bò của gia đình bà phát triển khỏe mạnh. Trung bình mỗi năm, đàn bò con sinh sản thêm được từ 2 đến 3 con bê.

Bà H’Bơng chia sẻ: “Hằng năm, số tiền thu được từ việc bán bò, một phần gia đình dành trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học, phần nữa đầu tư chuồng trại để phát triển đàn bò. Hiện nay, ngoài số lượng bò đã bán đi mỗi năm, trong chuồng bò của gia đình luôn duy trì từ 7 đến 8 con. Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc, phát triển đàn bò để vừa có nguồn thu nhập ổn định, vừa trả được nợ ngân hàng khi đến kỳ hạn”.

Cũng nhờ nguồn vốn từ chương trình cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn do NHCSXH triển khai mà gia đình ông Y K’Riêng ở bon Phai Kol, xã Đắk Nia, TX Gia Nghĩa đã có thêm kinh phí để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Được biết, cuối năm 2016, gia đình ông được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH địa phương để đầu tư vào gần 1ha hồ tiêu. Có vốn, ông đầu tư hệ thống ống tưới, phân bón chất lượng tốt để chăm sóc cây tiêu. Cùng với đó, ông cập nhật thêm cách chăm sóc khoa học, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên vườn tiêu của gia đình phát triển tốt, không có sâu bệnh và cho năng suất khá cao.

Ông Y K’Riêng cho biết: “Trước đây, khi chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, gia đình tôi có đi vay vốn Ngân hàng thương mại, chịu lãi suất cao nên làm không có lãi. Vì vậy khó khăn cứ đeo bám mãi, không dứt ra được. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận cơ sở, giúp cho gia đình tôi, cũng như nhiều hộ dân khác ở địa phương mở rộng sản xuất, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo và chăm lo con cái học hành đến nơi đến chốn”.

Theo NHCSXH tỉnh Đắk Nông, thông qua việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách trong hộ đồng bào DTTS, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 36.270 hộ đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi, chiếm 85% hộ đồng bào DTTS trong tỉnh, với tổng dư nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ưu tiên các hộ vùng sâu, vùng xa

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo tại các vùng đồng bào DTTS, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong tổng số hơn 36.270 hộ đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, có trên 70% là hộ dân thuộc các xã vùng sâu, vùng xa.

Hằng năm, căn cứ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được giao, cũng như dựa trên cơ sở đề án được UBND tỉnh phê duyệt, số liệu điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo từng địa bàn, NHCSXH tỉnh Đắk Nông có kế hoạch phân bổ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho phù hợp. Trong đó, luôn ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Đơn vị phối hợp với các địa phương, tổ chức hội, đoàn thể giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất cho các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, NHCSXH các huyện còn phối hợp, làm tốt công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, vận động người dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Các đơn vị tăng cường kiểm tra việc sử dụng vốn vay, bảo đảm vốn tín dụng chính sách sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại các địa bàn.

Với cách thức, thủ tục vay vốn đơn giản, mạng lưới hoạt động của chi nhánh được phủ rộng đến 100% các thôn, buôn, qua đó, giúp cho các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận kịp thời các chính sách, chương trình cho vay ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Từ đây, nguồn vốn ưu đãi đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới…

Tăng cường phối hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án

Hiện nay, trình độ dân trí của đồng bào DTTS tại một số địa bàn còn hạn chế. Bà con chưa biết cách tổ chức sản xuất, sắp xếp cuộc sống, thiếu tích lũy về vốn. Trong khi công tác chỉ đạo phối hợp lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn chưa phát huy hiệu quả cao… đã ảnh hưởng đến hiệu quả tín dụng chính sách.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn nhấn mạnh: Mặc dù tín dụng chính sách trong vùng đồng bào DTTS thời gian qua đã có tác dụng, nhưng để vốn tín dụng thực sự giúp bà con thoát nghèo bền vững thì cần nhiều hơn những yếu tố khác, chứ không chỉ dừng lại ở việc giúp bà con có “chiếc cần câu”. Để nâng cao hiệu quả trong thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội, cùng với việc tạo điều kiện cho bà con được vay vốn ưu đãi, NHCSXH tỉnh cần xây dựng kế hoạch phối hợp với các cấp, ngành triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương. Các địa phương cần đẩy mạnh chương trình khuyến nông, hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho kinh tế hộ để người nghèo, nhất là các hộ đồng bào DTTS dễ tiếp cận và tham gia.

Ông Đào Thái Hòa - Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong đó, tập trung vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Thông qua việc thực hiện Chỉ thị này sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở vào công tác giám sát quá trình cho vay, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Hằng năm, tranh thủ nguồn vốn TW, nguồn vốn ngân sách địa phương, chi nhánh sẽ ưu tiên phân bổ và đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo, các gia đình chính sách khác trong vùng DTTS. Ngoài ra, đơn vị sẽ tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, phát triển các dịch vụ ngân hàng, bảo đảm vốn vay được đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Theo Lương Nguyên Báo Đắk Nông

Các tin bài khác