CCB tiên phong trên mặt trận giảm nghèo
Thời gian qua, nhằm giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí tự lực và động viên các hội viên tích cực đầu tư mở rộng sản xuất với khả năng và quy mô phù hợp.
Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho các hội viên về kỹ thuật sản xuất, chuyển giao các tiến bộ KHKT và công tác quản lý, sử dụng vốn vay hợp lý với từng đối tượng cần được hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình; khảo sát thực tế đời sống và nhà ở của hội viên, làm cơ sở để đánh giá, xác định chỉ tiêu, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, giúp hội viên nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Cùng với việc tích cực khai thác, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, các cấp hội đã huy động tối đa các nguồn lực tại chỗ để gây quỹ, giúp hội viên đầu tư phát triển SXKD. Đơn cử như tại huyện Nam Đàn, trong số các tổ chức hội, đoàn thể tham gia hoạt động ủy thác vốn vay tại NHCSXH huyện, Hội CCB là đơn vị điển hình với nhiều chương trình cho vay. Tính đến nay, tổng dư nợ vốn vay của NHCSXH huyện Nam Đàn ủy thác qua Hội CCB đạt trên 88 tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ của NHCSXH, tăng gần 3 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều hội viên CCB có điều kiện đầu tư mở rộng SXKD, từng bước thoát nghèo và đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Một điển hình Hội CCB khác tiên phong trên mặt trận giảm nghèo là Hội CCB xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ. Trong số 650 gia đình hội viên của hội, số hộ nghèo chỉ còn 8 hộ. Xung kích trên mặt trận này phải kể đến hội viên Nguyễn Trùng Cựu, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng và khai thác cát, sỏi, tạo việc làm cho hơn 50 lao động. Trên lĩnh vực nông nghiệp cũng xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao như mô hình VAC của hội viên Phan Văn Chính, với tổng đàn trâu bò hơn 50 con; hội viên Nguyễn Thế Thể với mô hình sản xuất tinh bột nghệ. Không chỉ nỗ lực vươn lên thoát nghèo và tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, Hội CCB xã Nghĩa Đồng còn là lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa của địa phương.
Không chỉ ở Nam Đàn hay Tân Kỳ, nguồn vốn vay NHCSXH còn phát huy hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ, tiếp sức cho nhiều hội viên CCB trong việc đầu tư phát triển SXKD. Tính đến nay, Hội CCB tỉnh đã thành lập được 1.628 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổng dư nợ nhận ủy thác gần 1.500 tỷ đồng, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong công tác thu lãi, xử lý nợ đến hạn, nợ bị rủi ro. Cũng thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế đã giúp hội viên CCB gắn bó với công tác hội và tích cực tham gia các phong trào khác ở địa phương như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, vì người nghèo; tham gia hòa giải, quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên lầm lỡ tại địa phương… Những nỗ lực không ngừng nghỉ của các hội viên CCB trên mặt trận mới - phát triển kinh tế - xã hội ngày càng khẳng định vai trò xung kích, gương mẫu của những người lính năm xưa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương giàu mạnh.
Bài và ảnh Thùy Dương
Các tin bài khác
- » “Thủ đô gió ngàn” hôm nay
- » Góp phần ổn định cuộc sống cho nhiều hộ DTTS ở tỉnh Đắk Nông
- » “Cầu nối” để thanh niên khởi nghiệp
- » CCB với cuộc chiến giảm nghèo
- » Người nghèo ở Thuận Bắc làm giàu từ vốn nhỏ
- » Đưa vốn tín dụng chính sách đến với phụ nữ nghèo
- » Giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS
- » NHCSXH và TW Hội CCB Việt Nam sơ kết công tác ủy thác cho vay
- » Nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo
- » Điểm tựa của nhà nông