Núi Thành tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo

16/09/2021
(VBSP News) Một trong những giải pháp thiết thực được huyện Núi Thành (Quảng Nam) chú trọng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là giúp người dân ổn định sinh kế thông qua nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Núi Thành giảm đáng kể, chỉ còn 713 hộ (chiếm tỷ lệ 5,53%).
quang nam 1

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Núi Thành trao đổi với bà Trần Nguyên Trinh về xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả để thoát nghèo

Sinh kế cho hộ nghèo

Từ nguồn vốn vay 60 triệu đồng hộ cận nghèo của NHCSXH, bà Trần Nguyên Trinh ở thôn Trung Toàn, xã Tam Quang đầu tư nuôi 50 con dê. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, thức ăn dồi dào nên đàn dê của gia đình bà Trinh sinh trưởng tốt. Ngoài phát triển đàn dê thương phẩm, bà Trinh đầu tư nuôi dê giống chất lượng. Với phương thức nuôi gối đầu nên bà luôn có dê thương phẩm để bán với giá vài triệu đồng/con.

Bà Trinh chia sẻ: “Mặc dù bán dê thương phẩm liên tục nhưng đàn dê của chúng tôi đã tăng lên 70 con. Có nguồn vốn tích lũy, gia đình tôi không những tăng quy mô nuôi dê mà còn đầu tư thêm đàn gà thả vườn 200 con. Sinh kế khá ổn định nên gia đình tôi mạnh dạn đăng ký thoát nghèo trong năm nay”.

Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Núi Thành Lê Văn Lợi cho biết: Đơn vị đang triển khai nhiều chương trình tín dụng lãi suất thấp như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay SXKD vùng khó khăn… để các hộ xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cán bộ NHCSXH luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, địa phương để điều tra, nắm bắt nhu cầu vay vốn, giải ngân vốn kịp thời. Nhờ làm ăn hiệu quả, các hộ trả nợ đúng hạn, giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt, ổn định chất lượng tín dụng, có nguồn vốn quay vòng để giúp các hộ khác tiếp cận vốn vay, đầu tư phát triển kinh tế, qua đó góp phần giúp địa phương thực hiện tốt công cuộc thoát nghèo bền vững.

Phòng giao dịch tiếp tục chú trọng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi để các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tiếp cận. Đồng thời, nhân rộng, lan tỏa những mô hình hay, cách làm ăn hiệu quả để người dân tiếp thu, học hỏi, áp dụng là đòn bẩy vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chú trọng tính bền vững

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội trong chuyến khảo sát, đánh giá thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã đến làm việc với UBND huyện Núi Thành. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao các mô hình phát triển kinh tế vì mục tiêu thoát nghèo bền vững cũng như công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác giảm nghèo của chính quyền địa phương.

Thời gian qua, công tác cho vay vốn ưu đãi để giúp người dân thoát nghèo ở Núi Thành đã đạt được những kết quả tốt, tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền một số nơi vẫn chưa tập trung, đầu tư đúng mức cho công tác giảm nghèo bền vững. Huyện Núi Thành cần có các giải pháp, nhất là nguồn lực để giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền cần quán triệt giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, lâu dài, xuyên suốt. Để công cuộc giảm nghèo bền vững đi vào chiều sâu, cần tập trung cho các giải pháp gồm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo; tập trung chỉ đạo, lãnh đạo để thực hiện giảm nghèo đạt hiệu quả hơn; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý Nhà nước về giảm nghèo.

Trong số 713 hộ nghèo, huyện Núi Thành có 597 hộ nghèo bảo trợ xã hội, 116 hộ nghèo thuộc diện cao tuổi, bệnh tật, không có khả năng thoát nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An cho biết: Huyện đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn năm 2021; trong đó, tập trung tăng cường các nguồn lực xã hội, nâng cao mức sống đối với hộ nghèo bảo trợ xã hội, hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo.

Huyện đã kịp thời triển khai các chính sách giảm nghèo của Trung ương, tỉnh cũng như chính sách khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh. Nguồn kinh phí thực hiện các chính sách khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết 13 còn chậm, việc cấp nguồn vốn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương nên việc thực hiện một số chính sách khuyến khích thoát nghèo chưa đạt; đến nay chưa có sự đồng bộ trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo. Thời gian tới, đề xuất UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ các khó khăn, giúp địa phương có động lực hơn để giảm nghèo bền vững

Bài và ảnh Việt Nguyễn

Các tin bài khác