Tam Dương từng bước “xóa” hộ nghèo

16/09/2021
(VBSP News) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, kiến thức phát triển sản xuất; tăng cường tư vấn, tạo việc làm cho người lao động... Đó là những giải pháp được huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đã và đang triển khai để giảm nghèo bền vững. Với những giải pháp đa dạng, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần từng bước “xóa” hộ nghèo.
vinh phuc

Từ nguồn vốn ưu đãi, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng ở xã Đồng Tĩnh đầu tư nuôi bò sinh sản hiệu quả, vươn lên thoát nghèo

Ưu tiên triển khai chính sách ưu đãi vốn

Cùng cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tam Dương, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Phượng ở khu 10, xã Đồng Tĩnh - một trong những hộ cận nghèo của xã được tiếp cận và sử dụng hiệu quả vốn ưu đãi của NHCSXH để phát triển kinh tế gia đình. Bà Phượng cho biết: “Do thiếu vốn và chưa biết đầu tư làm gì cho hiệu quả, nhưng nhờ cán bộ địa phương và cán bộ NHCSXH tư vấn, gia đình tôi được vay 80 triệu đồng để mua 2 nái bò. Khai thác diện tích đất rộng, tôi trồng cỏ làm thức ăn cho bò sinh trưởng phát triển tốt. Tiền lãi từ nuôi bò sinh sản tôi có điều kiện cải tạo ruộng, vườn, đầu tư giống và vật tư nông nghiệp để tăng năng suất, sản lượng lúa, hoa màu, nhờ vậy kinh tế gia đình được cải thiện”.

Để thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo đến cuối năm 2021, toàn huyện còn 111 hộ nghèo, ngay từ đầu năm, Tam Dương đã rà soát hộ nghèo, cận nghèo, tìm hiểu, phân tích nguyên nhân và xây dựng kế hoạch, đưa ra giải pháp giảm nghèo phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, ưu tiên triển khai chính sách ưu đãi vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến hết tháng 8.2021, tổng dư nợ của NHCSXH huyện đạt gần 353 tỉ đồng với trên 12,4 nghìn khách hàng có dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt gần 19 tỉ đồng; dư nợ hộ cận nghèo đạt 22,4 tỉ đồng; dư nợ hộ mới thoát nghèo đạt gần 65 tỉ đồng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn huyện có 63 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng số tiền trên 4,7 tỉ đồng; 682 hộ được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền trên 30,8 tỉ đồng, tăng 117 hộ so với cùng kỳ 2020.

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tam Dương Trịnh Viết Thanh Tùng cho biết: “Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác tư vấn, hướng dẫn từng hộ nghèo lựa chọn mô hình kinh tế, hình thức SXKD phù hợp để phát huy khả năng, lợi thế của từng gia đình, từng khu vực; đồng thời, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích.

Từ nguồn vốn ưu đãi, hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, không có tình trạng tái nghèo; nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên có kinh tế khá giả, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Những giải pháp đồng bộ

Bên cạnh hỗ trợ vay vốn, huyện Tam Dương còn triển khai nhiều giải pháp gắn việc cung cấp tín dụng ưu đãi với việc hướng dẫn cách làm ăn, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất. Hàng năm, qua hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, hàng trăm hộ nghèo được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán; tham quan học tập kinh nghiệm ở các mô hình kinh tế có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Qua đó, các hộ đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất manh mún, kém hiệu quả, tổ chức lại sản xuất, mở rộng ngành nghề kinh doanh, lựa chọn mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, huyện cũng chỉ đạo các địa phương, ban, ngành, đoàn thể bám sát, theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo, tùy theo khả năng nhận thức, tình hình sức khỏe và năng lực của từng hộ để có phương pháp hỗ trợ thật sự thiết thực. Trong đó, việc tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm được huyện đẩy mạnh thực hiện.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác tư vấn xuất khẩu lao động trầm lắng, toàn huyện tập trung rà roát nhu cầu học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn huyện có khoảng 1.600 lao động được tạo việc làm mới, trong đó có nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, huyện Tam Dương còn thực hiện nhiều giải pháp để hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, điện sinh hoạt, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin, trợ giúp pháp lý. Huyện triển khai miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo ở các cấp học, bậc học và thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi với HSSV thuộc hộ nghèo.

Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đã cấp thêm 450 thẻ BHYT; hỗ trợ trên 73 triệu tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo; hỗ trợ 73 trường hợp thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo theo Nghị quyết số 14/2020 của HĐND tỉnh. Ủy ban MTTQ huyện tích cực vận động, giúp đỡ xây, sửa nhà, tặng quà, chăm lo đời sống giúp hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Với các giải pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo của huyện Tam Dương đã và đang được triển khai có hiệu quả, tạo điều kiện để hộ nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập. Qua đó, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đã cam kết, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. 

Bài và ảnh Phương Loan

Các tin bài khác