Những dấu ấn không thể nào quên

21/06/2014
(VBSP News) Như chúng ta đều biết, ngày 21/6 hằng năm là ngày hội của ngành báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là ngày vui không chỉ của riêng những người làm báo mà là niềm vui chung lớn lao của đồng bào cả nước. Thông thường, cứ trước ngày đó một vài tháng, những người cầm bút đã hay đang làm việc trong lĩnh vực báo chí thường có những cảm xúc đặc biệt hướng về ngày vui nghề nghiệp của mình, ôn lại những dấu ấn, kỷ niệm, thành quả cống hiến, đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như những phần thưởng cao quý mà doanh nghiệp, cộng đồng đã dành riêng cho mình và đơn vị.
Tác giả bài viết (thứ 3 bên phải từ ngoài vào) trong một chuyến công tác cùng các cán bộ NHCSXH huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đi giao dịch tại xã

Tác giả bài viết (thứ 3 bên phải từ ngoài vào) trong một chuyến công tác cùng các cán bộ NHCSXH huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đi giao dịch tại xã

Với tôi, liên tục gần 40 năm cầm bút, niềm vui sướng, tự hào đặt lên hàng đầu là được mang “Thương hiệu Báo Nhân Dân” - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Vốn là một sinh viên được đào tạo chuyên ngành kinh tế, ngay từ ngày đầu nhận công tác, được lãnh đạo cơ quan báo chí phân công, giao trách nhiệm cho tôi theo dõi hoạt động để viết tin, bài về khối “Mậu - Tài - Ngân”. Thời bao cấp, kinh tế đất nước còn khó khăn, hàng tiêu dùng, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu, đã không đáp ứng được nhu cầu của người dân miền Bắc, lại còn phải dành một phần không nhỏ cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Cho nên, thời kỳ đó tôi phải dành hầu hết thời gian công tác hằng ngày của mình để bám sát ngành Nội thương, các địa phương và doanh nghiệp ở miền Bắc để cập nhật thông tin viết bài, với chủ đề xuyên suốt là “Quản lý, phân phối hàng hóa công bằng, hợp lý, đúng tiêu chuẩn quy định (tem, phiếu) cho từng đối tượng để ổn định giá cả thị trường và giá trị đồng tiền”.

Năm 1986, Đại hội lần thứ 6 của Đảng ta đã thống nhất ban hành Nghị quyết chuyển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước. Sau hơn một năm, Chính phủ đã khẩn trương ban hành các văn bản, quy định và cơ chế hoạt động đối với từng lĩnh vực, ngành nghề; trong đó, ngành Ngân hàng được chuyển sang phương thức kinh doanh mới là “đi vay để cho vay”, bảo đảm an toàn, hiệu quả, thực sự là đòn bẩy tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong vài ba năm đầu (1987 - 1990) mô hình các ngân hàng thương mại quốc doanh hoạt động theo cơ chế thị trường được thành lập. Khác với các ngân hàng thương mại quốc doanh như: Ngân hàng Ngoại thương, Công thương, Đầu tư và Phát triển, mặc dù mới mở chi nhánh trực thuộc tới cấp tỉnh, nhưng với Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (nay là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank) thì ngay từ ngày đầu thành lập đã có đủ chi nhánh ở cấp huyện. Những vùng quê xa xôi, đi lại khó khăn thì còn mở thêm các Phòng giao dịch. Hơn thế nữa, lúc đó Ngân hàng Nông nghiệp đã được cấp trên cho thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo trực thuộc (tiền thân NHCSXH ngày nay). Định hướng và mục tiêu lớn xuyên suốt hoạt động của toàn hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp là đầu tư vốn phục vụ đổi mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thu hẹp dần khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị. Với mục tiêu đó, đội ngũ cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp nói chung và Ngân hàng phục vụ người nghèo nói riêng, ngày đêm lặn lội đi xuống cơ sở vùng cao, vùng sâu, vùng xa tiếp cận thẩm định dự án, phương án sản xuất, kinh doanh cũng như khó khăn của từng gia đình để cho vay vốn. Vùng sông nước thì có thể đi bằng thuyền bồng bềnh, vùng cao thì đi bằng xe đạp, thậm chí phải đi bộ nhiều ngày. Các hộ dân nghèo ở bất kỳ vùng nào, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi, khi thấy cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp, đặc biệt là cán bộ tín dụng chính sách đến nhà là phấn khởi như được gặp người thân đi xa lâu ngày trở về. Là người trong cuộc, tôi được ngân hàng đưa đi công tác nhiều lần, may mắn được chứng kiến và cảm nhận niềm vui đó. Vì vậy trong bài thơ “Dấu ấn nghề nghiệp” tôi đã viết: “Cảm ơn Agribank đã cho tôi đi khắp Tổ quốc”. Niềm vui đó còn được duy trì, thắp sáng trong những năm tiếp theo khi Ngân hàng Phục vụ người nghèo được tách ra khỏi Ngân hàng Nông nghiệp, hoạt động độc lập với tên gọi Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đồng vốn ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH thực hiện đã đến kịp thời với bà con các dân tộc trong cả nước, bà con sử dụng vốn vay rất hiệu quả

Đồng vốn ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH thực hiện đã đến kịp thời với bà con các dân tộc trong cả nước, bà con sử dụng vốn vay rất hiệu quả

Trong những tháng ngày sau khi nghỉ hưu, bằng sự tâm huyết và cái tình dành cho người nghèo, tôi được lãnh đạo cũng như các cán bộ NHCSXH mời đi cùng xuống cơ sở, gặp gỡ khách hàng là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn làm ăn thoát nghèo bền vững ở các tỉnh vùng cao, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới giáp Lào và Trung Quốc, như: Nghệ An, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn… Cùng cán bộ tín dụng chính sách vượt đèo lội suối, băng qua những con đường bùn đất lầy lội để đến với các xã nghèo xa lắc xa lơ như Cao Thượng của huyện Ba Bể (Bắc Kạn), Pắc Bó (Cao Bằng)… Thực sự, nếu không có sự quan tâm của NHCSXH thì có lẽ khó để tôi có đủ điều kiện đặt chân đến các xã nghèo vùng cao đó.

Với tôi, đó là những kỷ niệm khó quên trong suốt cuộc đời cầm bút, mỗi lần nhắc đến những chuyến đi đó, tôi càng trân trọng tấm lòng, cảm kích công lao đóng góp của NHCSXH nói chung và đội ngũ cán bộ tín dụng NHCSXH nói riêng trong sự nghiệp chung sức, chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo của đất nước, vươn tới hạnh phúc ấm no, từng bước tiếp cận cộng đồng quốc tế.

Bài và ảnh Trần Kinh Tế - Quốc Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác