Tăng nguồn lực xóa đói, giảm nghèo
Trao đổi vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi (ảnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, giảm nghèo là mục tiêu Quốc gia được Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm. Về mặt cơ chế chính sách, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết, các Luật và dành phần ưu tiên ngân sách cho mục tiêu này. Chính phủ đã ban hành chính sách chung và chính sách đặc thù để xóa đói, giảm nghèo.
Trong 7 nhóm chính sách cơ bản thì chính sách tín dụng là nhóm chính sách quan trọng góp phần thực hiện thành công quá trình xóa đói, giảm nghèo. Việc triển khai nhóm chính sách tín dụng đã được NHNN rất quan tâm và huy động mạnh mẽ nguồn lực của toàn ngành để thực hiện, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo.
Phóng viên: Ông có thể cho biết cụ thể những kết quả của việc triển khai nhóm chính sách tín dụng?
Trả lời: Các chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo giai đoạn 2005 - 2012 được thực hiện chủ yếu thông qua NHCSXH gồm 15 chương trình tín dụng dành cho người nghèo với mức lãi suất thấp và khoảng gần 10 triệu hộ nghèo được tiếp cận vốn, giúp cho khoảng 2,4 triệu người thoát nghèo, nợ quá hạn cho vay hộ nghèo không quá 1%. Đối tượng cho vay tập trung chủ yếu là hộ nghèo, học sinh, sinh viên, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm và cho vay hỗ trợ nhà ở.
Điều quan trọng là thủ tục cho vay đối với hộ nghèo khá thuận lợi, đơn giản (chủ yếu là tín chấp thông qua các hội, đoàn thể). Điều này tạo điều kiện để các đối tượng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, đó là một “điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo. Việc triển khai chính sách này là mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các hội, đoàn thể và người nghèo, là một giải pháp hữu hiệu nhằm giảm nghèo hiệu quả.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về mục tiêu NHNN đặt ra cho ngành Ngân hàng là hướng tới giảm nghèo bền vững?
Trả lời: Tôi đánh giá đây là một chủ trương đúng đắn của ngành Ngân hàng. Trong thực tế, NHNN đã triển khai mục tiêu này bằng những chương trình và hành động cụ thể. Theo đó, NHNN đã có chính sách hỗ trợ những đối tượng kém may mắn trong cuộc sống bằng các chương trình an sinh xã hội như hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ chương trình rà phá bom mìn sau chiến tranh, ủng hộ các gia đình thương binh liệt sỹ, nạn nhân thiên tai…
Đồng thời, NHNN đã thể chế hóa chủ trương giảm nghèo bền vững một cách chủ động và trách nhiệm bằng các giải pháp hỗ trợ vay vốn cho nông nghiệp, nông thôn, khai thông nguồn vốn tín dụng nhằm hỗ trợ cho ngư dân bám biển, đóng thuyền sắt thay thuyền gỗ, hỗ trợ tái canh cây cà phê, hỗ trợ chương trình liên kết 4 nhà, sản xuất cánh đồng mẫu lớn…
Phóng viên: Ông có kiến nghị gì với NHNN trong thời gian tới khi thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo?
Trả lời: Như tôi đã đánh giá, ngành Ngân hàng với tinh thần trách nhiệm cao với lực lượng cán bộ chuyên nghiệp và đang chủ trương đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ những người kém may mắn trong xã hội, tìm các giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và tạo được dấu ấn trong xã hội.
Trong thời gian tới, NHNN cần chỉ đạo tăng nguồn tín dụng, hạn mức tín dụng, áp dụng linh hoạt lãi suất… đối với hộ nghèo vì thực tế việc cho vay hộ nghèo qua các năm đã tăng lên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
NHNN cần nghiên cứu và có giải pháp để giám sát việc người nghèo sử dụng vốn hiệu quả và đúng mục đích thông qua việc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đào tạo, giải quyết việc làm, chuyển giao KHKT và hướng dẫn cách thức sản xuất, kinh doanh, kết nối sản xuất với thị trường hàng hóa.
Đặc biệt, NHNN tiếp tục duy trì và tăng cường hiệu quả các Chương trình tín dụng với nông nghiệp, nông thôn để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Đó là cách thức quan trọng giúp giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, tôi đánh giá cao ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua đã chủ động, trách nhiệm trong việc đưa ra các Chương trình tín dụng một cách kịp thời để hỗ trợ ngư dân bám biển và hỗ trợ tín dụng để đóng tàu sắt thay tàu gỗ. Đây không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, thể hiện sự đồng hành của ngành Ngân hàng cùng ngư dân bám biển bảo vệ chủ quyền đất nước.
Thúy Sen (Vietnamnet.vn)
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII
- » Quốc hội “hiến kế” tăng hiệu quả tín dụng chính sách
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc tại tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ
- » Các chương trình tín dụng qua NHCSXH: “ĐIỂM SÁNG” TRONG CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO
- » Tín dụng là động lực cho quá trình giảm nghèo
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc tại tỉnh Kiên Giang
- » Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng có chuyến công tác và làm việc tại tỉnh An Giang
- » Làm báo về ngân hàng phải sát thực tế
- » NHNN có vai trò chủ đạo trong việc ổn định tiền tệ - tài chính