Tín dụng là động lực cho quá trình giảm nghèo

06/06/2014
(VBSP News) Ngày 7/6, theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ dành một ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Trong chính sách này có một vấn đề được cử tri quan tâm là tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên - ảnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

1234

Phóng viên: Là người trực tiếp tham gia Đoàn giám sát, ông có thể đánh giá khái quát về chính sách giảm nghèo giai đoạn vừa qua?

Trả lời: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 đã đạt được 6 thành tựu nổi bật.

Thứ nhất, chủ trương về xóa đói, giảm nghèo luôn luôn là chủ trương lớn, nhất quán qua các Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành và các cấp địa phương cũng cụ thể hóa bằng văn bản để triển khai thực hiện quyết liệt.

Thứ hai, hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo từ chủ trương nhất quán đã được xây dựng hoàn thiện đầy đủ hơn, thể hiện hệ thống chính sách đa chiều như giới thiệu dạy nghề, tạo việc làm, tăng khả năng tiếp cận của người nghèo đối với vốn tín dụng, dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt…

Thứ ba, chúng ta đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ sự lãnh đạo của Đảng cho đến việc tổ chức điều hành của chính quyền, sự tham gia của Mặt trận tổ quốc và các hội, đoàn thể, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tham gia vào chính sách giảm nghèo.

Chúng ta cũng huy động được sự trợ giúp từ Quốc tế qua hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay ưu đãi cho giảm nghèo.

Thứ tư, kết quả giảm nghèo đã chuyển biến rõ rệt, tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 22% năm 2005, xuống còn 9,45% năm 2010 theo chuẩn cũ. Còn tính theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống 7,8% (năm 2013).

Thứ năm, kết quả giảm nghèo đã góp phần đảm bảo an ninh chính trị, ổn định xã hội, củng cố thêm niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.

Thứ sáu, chúng ta cũng đã tạo ra tiền đề cho chính sách giảm nghèo giai đoạn tới có hiệu quả cao hơn, thực sự đi vào giảm nghèo theo mục tiêu bền vững.

Hỗ trợ tín dụng ưu đãi đã giảm tư tưởng trông chờ ỷ lại, kích thích tính sáng tạo của người nghèo

Hỗ trợ tín dụng ưu đãi đã giảm tư tưởng trông chờ ỷ lại, kích thích tính sáng tạo của người nghèo

Phóng viên: Như vậy, chính sách giảm nghèo đã được thực hiện rất hiệu quả?

Trả lời: Không hẳn như vậy. Qua đánh giá chúng tôi thấy chính sách giảm nghèo còn một số điểm hạn chế.

Đó là, hệ thống chính sách còn có sự chồng chéo, manh mún, còn những chính sách tạo tâm lý ỷ lại trông chờ, chưa phát huy được sự chủ động sáng tạo của từng địa phương và bản thân người nghèo. Do đó, vẫn có hiện tượng hộ gia đình không muốn thoát khỏi diện nghèo, địa phương không muốn thoát khỏi xã nghèo, huyện nghèo.

Bên cạnh đó, trong tổ chức thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo còn có hiện tượng trùng lắp, quá nhiều ngành tham gia vào chính sách. Nhiều ngành tham gia cũng có cái tốt nhưng thiếu sự phối hợp, thiếu “nhạc trưởng” sẽ dẫn tới sự trùng lắp trong triển khai. Ngoài ra, nguồn lực cho chính sách giảm nghèo còn hạn chế.

Thêm một vấn đề nữa là quá trình giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo mới còn cao. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì đang có công thức “3 ra, 1 vào” có nghĩa là cứ 3 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo hoặc phát sinh nghèo mới. Tỷ lệ hộ nghèo với hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.

Báo cáo giám sát cho thấy hiện còn hơn 50% hộ nghèo thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Có những tộc người như Arem, Rục chiếm tỷ lệ 100% là hộ nghèo. Nhiều vùng có tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số chiếm tới 60% - 70%.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kênh tín dụng chính sách đối với chương trình này?

Trả lời: Theo kết quả giám sát giảm nghèo, chúng tôi phân loại ra làm 2 loại chính là nhóm chính sách chung và đặc thù. Ở nhóm chính sách chung thì có hỗ trợ về nguồn vốn, y tế, giáo dục… thì có điểm rất tốt là về cơ bản người nghèo đã tiếp cận được hệ thống chính sách này và phát huy tác dụng. Trong đó chính sách tín dụng mang lại nhiều hiệu quả và là điểm sáng trong chính sách, pháp luật về giảm nghèo.

Cần tiếp tục có chính sách tín dụng đặc thù cho hộ dân tộc thiểu số

Cần tiếp tục có chính sách tín dụng đặc thù cho hộ dân tộc thiểu số

Theo báo cáo của NHCSXH, từ năm 2005 đến năm 2012 đã có khoảng 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi và nguồn vốn của ngân hàng này đã giúp 2,4 triệu lượt hộ thoát nghèo. Đặc biệt, nguồn vốn của NHCSXH được thực hiện cho vay ủy thác qua 4 hội, đoàn thể là: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên đã chiếm khoảng 98,7% tổng dư nợ của NHCSXH.

Qua giám sát và tiếp xúc cử tri tôi thấy, chính sách tín dụng ưu đãi đã tạo ra mối gắn kết và phát huy được vai trò của các hội, đoàn thể tham gia. Điều này giúp cho mối quan hệ giữa ngân hàng và người dân trở nên mật thiết. Một điểm nữa là tất cả các Điểm giao dịch của NHCSXH đều công bố công khai hộ vay vốn, mức vay, thời hạn vay rất cụ thể, minh bạch.

Chính sách hỗ trợ qua tín dụng ưu đãi đã góp phần làm giảm tư tưởng trông chờ ỷ lại, khơi dậy động lực, kích thích tính sáng tạo của người nghèo. Vì vốn đi vay thì không phải là cho không, nên hộ vay vốn phải trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi cách sản xuất, kinh doanh làm sao có hiệu quả nhất với nguồn vốn vay đó.

Vì vậy, chúng ta nên hạn chế dần các chương trình hỗ trợ cho không và thay vào đó là cho vay, tạo động lực sản xuất cho hộ nghèo.

Để chính sách này thực hiện tốt hơn, chúng tôi đề nghị Chính phủ phải tăng nguồn vốn để đảm bảo tất cả các hộ nghèo và cận nghèo có thể tiếp cận vay vốn. Bởi trong giai đoạn vừa qua vẫn còn tỷ lệ không nhỏ hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được tiếp cận nguồn vốn vay.

Chẳng hạn, mức bình quân dư nợ một hộ nghèo chỉ đạt 16 triệu đồng/hộ (trong khi đó mức cho vay tối đa có thể lên đến 30 triệu đồng/hộ và từ ngày 01/5/2014 nâng lên 50 triệu đồng/hộ).

Bên cạnh đó, theo tôi ngoài chính sách cho vay chung thì cần chú trọng hơn với đối tượng đặc thù như hộ đồng bào dân tộc thiểu số, ngư dân, người dân ở vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, người dân tái định cư khi xây dựng công trình thủy điện…

Những chính sách đặc thù này cần thể hiện ở những khía cạnh: mức vay phải phù hợp cây trồng, vật nuôi; lãi suất cho vay phải thấp hơn và tùy vào từng đối tượng; thời gian vay cho từng đối tượng cũng phải khác nhau, phù hợp với chu kỳ trồng trọt, chăn nuôi của từng hộ.

Một khía cạnh nữa là chính sách tín dụng phải gắn với chuyển giao KHKT. Người dân vay vốn nhưng phải được hướng dẫn cách sử dụng vốn, cách làm ăn sao cho hiệu quả. Đồng thời phải gắn chính sách tín dụng với bảo hiểm. Ví dụ, nếu có bảo hiểm về phương tiện sẽ có ý nghĩa rất lớn với bà con ngư dân đánh bắt xa bờ.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta có một chính sách tín dụng phù hợp, kết hợp với việc hướng dẫn, chuyển giao KHKT thì chắc chắn hiệu quả sẽ còn cao hơn nữa.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Quang Cảnh thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác