Các chương trình tín dụng qua NHCSXH: “ĐIỂM SÁNG” TRONG CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO
Hơn 11 năm ra đời và phát triển, NHCSXH đã có nhiều nỗ lực huy động, tạo nguồn vốn đảm bảo cho “dòng chảy” vốn tín dụng thông suốt; tạo hiệu quả rõ nét vẽ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội như mục tiêu Chính phủ đề ra.
2,4 triệu hộ thoát nghèo
Theo báo cáo của NHCSXH với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng dư nợ tín dụng chính sách đến hết năm 2012 đạt gần 114 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với năm 2005 và gấp 8 lần so với thời điểm thành lập NHCSXH. Tổng doanh số cho vay tín dụng chính sách giai đoạn 2005 - 2012 đạt hơn 199 nghìn tỷ đồng. Vốn tập trung cho vùng có tỷ lệ nghèo cao như Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Các chính sách tín dụng trực tiếp hộ nghèo thực hiện chủ yếu thông qua NHCSXH với 15 chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi, như: Cho vay theo Nghị quyết 30a, cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, giải quyết đất ở, đất sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long lãi suất 0%; cho vay làm nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ (3%/năm); hộ nghèo (7,8%/năm)…
Từ năm 2005 - 2012, gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, trong đó 2,4 triệu hộ thoát nghèo. Đến hết năm 2012, có gần 3,263 triệu hộ nghèo dư nợ với mức bình quân khoảng 16 triệu đồng/hộ, chiếm 53,1% tổng dư nợ cho vay của NHCSXH…
Sự phát triển bền vững của các Chương trình tín dụng chính sách thể hiện ở việc tăng trưởng tín dụng gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng. Nếu như ở thời điểm nhận bàn giao (năm 2003), nợ quá hạn của NHCSXH lên tới 13,7%, đến năm 2013 chỉ còn 0,79%. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam được quốc tế công nhận là quốc gia sớm thực hiện thành công mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về phát triển bền vững, về xoá đói, giảm nghèo và phát triển con người mà trong đó có đóng góp quan trọng của NHCSXH…”.
Kết quả tích cực đó là nhờ mô hình hoạt động ưu việt của NHCSXH: Ủy thác cho vay qua 4 hội, đoàn thể; hình thành mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, bình xét đối tượng thụ hưởng công khai, minh bạch và giao dịch tại xã. Mô hình hoạt động này đã tạo sự thuận lợi, đơn giản cho người vay và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri tại 15 tỉnh, thành phố - nơi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc.
Uỷ viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH, Dương Quyết Thắng chia sẻ: “Mô hình hoạt động của NHCSXH là đặc thù của Việt Nam. Trước đây ta học của Bangladesh về tín dụng vi mô, tổ nhóm; nhưng giờ họ học mô hình của ta. Chính mô hình phù hợp, tổ chức thực hiện tốt, nên người vay trả nợ, trả lãi tốt…”.
Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững
Tại buổi làm việc với NHCSXH mới đây, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách tín dụng giảm nghèo khẳng định: Tín dụng chính sách là một trong những “điểm sáng” nhất trong bức tranh chính sách, pháp luật về giảm nghèo. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định: Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các hội, đoàn thể và người nghèo; phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng…
Theo NHCSXH, để thực hiện tốt hơn mục tiêu giảm nghèo bền vững cũng cần khắc phục những hạn chế. Đó là, tổng vốn tín dụng chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là cho vay hộ nghèo. Từ năm 2010 đến nay, NHCSXH không được cấp bổ sung vốn điều lệ, một số chương trình vốn bổ sung thấp hoặc bố trí chưa kịp thời; một số địa phương đã chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH nhưng tổng nguồn này còn thấp chưa đến 3% tổng nguồn vốn huy động, hạn mức cho vay tín dụng còn thấp; cho vay sản xuất kinh doanh chưa gắn kết tốt với hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn cách làm ăn; một số vướng mắc, khó khăn của chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động chưa được các cơ quan chức năng giải quyết…
Theo Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, Nguyễn Văn Lý, một trong những khó khăn, hạn chế của tín dụng chính sách hiện nay là vốn tín dụng chính sách chủ yếu cho vay trung hạn và dài hạn, trong khi nguồn phần lớn là vốn ngắn hạn…
114.000 TỶ ĐỒNG
TỔNG DƯ NỢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH ĐẾN NĂM 2012:
***************
- 41.560 tỷ đồng cho vay hộ nghèo
***************
- 35.802 tỷ đồng cho vay học sinh, sinh viên
***************
- 12.871 tỷ đồng cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn
***************
- 10.631 tỷ đồng cho vay làm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,…
Phương Đông thực hiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Tín dụng là động lực cho quá trình giảm nghèo
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc tại tỉnh Kiên Giang
- » Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng có chuyến công tác và làm việc tại tỉnh An Giang
- » Làm báo về ngân hàng phải sát thực tế
- » NHNN có vai trò chủ đạo trong việc ổn định tiền tệ - tài chính
- » Ngân hàng Nhà nước họp báo thường kỳ tháng 5
- » Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước
- » VBSP chi nhánh tỉnh Nghệ An kết nghĩa với NAYOBY BANK chi nhánh tỉnh Xiêng Khoảng
- » Bế giảng khóa đào tạo thứ Nhất năm 2014 cho cán bộ cấp cao NAYOBY BANK