Nguồn tín dụng giảm nghèo thiếu trầm trọng: NÊN GIẢM DẦN CÁC CHƯƠNG TRÌNH CẤP PHÁT CHO KHÔNG, CHUYỂN SANG TÍN DỤNG ƯU ĐÃI
Có người lo, tội gì mà không nghèo!
Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ nhưng trên thực tế khi thực hiện các chính sách giảm nghèo đã gặp phải những bất cập, thậm chí thiếu sự công bằng giữa các đối tượng, dẫn tới sự trông chờ, ỷ lại vào chính sách.
Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, chính sách chỉ nên hỗ trợ thường xuyên với người nghèo và hộ nghèo do hoàn cảnh bất khả kháng mà họ không thể thoát nghèo. Các trường hợp nghèo khác, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ có thời hạn nhất định và kèm theo điều kiện cụ thể để người nghèo, hộ nghèo phải chấp hành và phải vươn lên để thoát nghèo. “Không thể để tồn tại tình trạng người nghèo ở nhà chơi bời cờ bạc, rượu chè say xỉn, đánh đập vợ con, bắt con bỏ học bán vé số, lao động kiếm tiền để nuôi người còn sức khỏe ngồi nhà uống rượu và nghiễm nhiên được hưởng chính sách giảm nghèo của nhà nước”, bà Minh nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, chúng ta cần có điều kiện kèm theo chính sách hỗ trợ. “Ban đầu có thể cho họ 1 - 2 năm hưởng chế độ của người nghèo, cộng lại các chế độ này rất nhiều, nhưng người nghèo phải cam kết vươn lên và tiêu chuẩn như thế nào mới được hưởng hộ nghèo, không phải cứ thu nhập bình quân dưới 400 nghìn đồng là hộ nghèo”, ông Bùi Quang Vinh đề xuất. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều nơi đã giảm nhưng đã có tình trạng người dân không muốn ra khỏi diện hộ nghèo.
Có lẽ, một trong những nguyên nhân là do chính sách hỗ trợ cho người nghèo quá nhiều nên người dân sợ bị đưa ra khỏi diện “nghèo” thì không tự làm được gì. Vì vậy, cần có giải pháp tăng cường nhận thức cho người nghèo để họ có ý chí vươn lên thoát nghèo với sự hỗ trợ của Nhà nước. Trừ trường hợp bệnh tật, thiên tai, gia đình neo đơn, gia đình có công thì chúng ta phải chăm lo.
Như vậy, để tạo sự công bằng và hạn chế sự ỷ lại vào chính sách của người nghèo, chúng ta giảm dần các chính sách cho phát không mà chuyển sang chính sách tín dụng ưu đãi. Bởi trên thực tế, tín dụng chính sách cho người nghèo, cận nghèo đang phát huy hiệu quả tích cực thông qua hệ thống NHCSXH. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, cho biết: Khách hàng của NHCSXH đều rất nghèo, lại ở những khu vực địa hình khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tuy vậy, với sự điều hành chỉ đạo tâm huyết của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH, chính sách tín dụng này đã mang lại những kết quả tích cực. Các chương trình tín dụng của NHCSXH được hàng triệu người dân rất tâm đắc, đánh giá cao. Thể hiện rõ là tỷ lệ nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất thấp, chưa đến 1% trên tổng dư nợ.
Nguồn lực cho tín dụng giảm nghèo đang khó khăn
Sự trông chờ, ỷ lại, thậm chí “trốn” vào danh hiệu “nghèo” chỉ có ở một bộ phận nhỏ người nghèo, đại đa số đều mong muốn có cơ hội thoát nghèo. Chính vì thế, nhu cầu vay vốn từ các Chương trình tín dụng ưu đãi ngày càng nhiều, trong khi nguồn lực của NHCSXH chưa đáp ứng được.
Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương ngày 11/6/2014, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, cho biết, việc bố trí vốn trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước còn có khoảng cách giữa nhu cầu vốn của các chương trình an sinh xã hội do Nhà nước giao cho NHCSXH thực hiện với thực tế vốn được bố trí trong kế hoạch hằng năm. Bên cạnh đó, vốn điều lệ của NHCSXH từ năm 2010 không được cấp bổ sung. Vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm được bổ sung hằng năm còn thấp: năm 2013 là 46 tỷ đồng, năm 2014 là 50 tỷ đồng; vốn cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý và quyết toán thực tế hằng năm còn thiếu hụt. Năm 2013 số cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý từ ngân sách Nhà nước cho NHCSXH còn thiếu khoảng 3.286 tỷ đồng.
Một khó khăn nữa của NHCSXH là một số Chương trình tín dụng mới như: cho vay hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg; cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg…, tuy đã được ban hành nhưng chưa được bố trí vốn kịp thời để thực hiện, tạo áp lực đối với các chi nhánh của NHCSXH - nơi có chương trình thực hiện trước nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hương chính sách và chính quyền địa phương.
Ngoài ra, cơ chế tạo lập nguồn vốn của NHCSXH chưa có tính ổn định lâu dài, cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý, vốn tín dụng chính sách cho vay trung và dài hạn chiếm trên 95%/tổng dư nợ, trong khi đó, nguồn vốn tín dụng huy động hiện nay chủ yếu là vốn ngắn hạn. Trong khi, nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp chỉ chiếm tỷ trọng thấp (19,2%) và có xu hướng giảm dần qua các năm: năm 2003, tỷ trọng vốn do ngân sách Trung ương cấp chiếm 35,5% trong tổng số nguồn vốn, năm 2013 chỉ còn 19,2%. NHCSXH gần như chưa tiếp cận được các nguồn vốn nhân đạo, vốn ODA, các nguồn vốn vay có thời hạn dài, lãi suất thấp.
Chính vì vậy, việc đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho NHCSXH trong thời gian tới có nghĩa rất quan trọng cho Chiến lược giảm nghèo giai đoạn tiếp theo. “Tôi đề nghị tăng vốn điều lệ cho NHCSXH. Ví dụ, nếu tăng thêm khoảng 4 - 5 nghìn tỷ đồng mà giải quyết được hàng chục vạn hộ và hàng triệu người giảm nghèo thì mức tăng như thế là cần thiết, cấp bách và rất đúng đắn. Chúng tôi cho đây là một nhu cầu rất cần thiết và đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm”, ông Võ Kim Cự nhấn mạnh.
Cùng với đó, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý hằng năm kịp thời; bổ sung vốn cho các Chương trình cho vay mới; tạo điều kiện cho NHCSXH xây dựng cơ chế tạo lập nguồn vốn, ổn định lâu dài. Có như vậy, nguồn lực cho vay xóa đói, giảm nghèo mới ổn định bền vững.
“Theo NHCSXH, tính đến 31/5/2014, tổng dư nợ đạt 125.522 tỷ đồng, tăng 3,1% so với 31/12/2013. Trong đó, dư nợ nguồn vốn các Chương trình tín dụng ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất đạt 113.423 tỷ đồng, hoàn thành 55,7% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Hiện nay có trên 7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, với dư nợ bình quân trên 17 triệu đồng/khách hàng; đã có trên 23,4 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH”. |
Bài và ảnh Quang Cảnh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Hộ cận nghèo và một số đối tượng chính sách cũng được giảm lãi suất
- » Đảng ủy NHCSXH Trung ương làm việc với Ban Kinh tế Trung ương
- » Giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách
- » Tăng nguồn lực xóa đói, giảm nghèo
- » Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII
- » Quốc hội “hiến kế” tăng hiệu quả tín dụng chính sách
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc tại tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ
- » Các chương trình tín dụng qua NHCSXH: “ĐIỂM SÁNG” TRONG CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO
- » Tín dụng là động lực cho quá trình giảm nghèo