Hội nghị trực tuyến triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động

09/11/2021
(VBSP News) Ngày 9.11.2021, NHCSXH đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các đại biểu tại Trụ sở chính, chi nhánh các tỉnh, thành phố về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8.10.2021 và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng và Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh đồng chủ trì Hội nghị.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến

Tham dự Hội nghị trực tuyến có đại diện Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, Ngân hàng Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tại Trung ương cùng đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh,  các Sở, ban ngành liên quan, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tại địa phương và chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố.

Ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất, NHCSXH đã tập trung triển khai cho vay kịp thời đến 63 tỉnh, thành phố. Đến ngày 08.11.2021, NHCSXH đã thực hiện giải ngân cho vay 1.449 lượt người sử dụng lao động với số tiền 750 tỷ đồng để trả lương cho 209.280 lượt người lao động.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết: Trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Với tinh thần hỗ trợ người sử dụng lao động được tiếp cận vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất một cách thuận lợi nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8.10.2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6.11.2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Theo đó, sửa đổi, bổ sung đối tượng vay vốn và điều kiện vay vốn. Để phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, Thứ trưởng đề nghị NHCSXH làm tốt công tác tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương, huy động sự vào cuộc đồng nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt việc tuyên truyền chính sách, phát huy vai trò giám sát việc thực hiện chính sách minh bạch, hiệu quả.

Đại biểu tại các điểm cầu phát biểu thảo luận

Đại biểu tại các điểm cầu phát biểu thảo luận

Với tinh thần “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng nhấn mạnh: Hệ thống NHCSXH đã, đang và luôn chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các điều kiện về nguồn lực, nhân lực, vật lực để triển khai tốt chính sách cho, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổng Giám đốc NHCSXH đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung, cũng như hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động theo Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg, để đảm bảo chính sách tiếp tục đi vào cuộc sống, góp phần khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị trong hệ thống tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách cho vay trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng để mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả nhất; đồng thời để các cấp, các ngành giám sát đảm bảo thực hiện chính sách công khai, minh bạch. Thường xuyên rà soát nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng chính sách để đáp ứng nguồn vốn cho vay; chủ động tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ vay vốn và giải ngân kịp thời. Duy trì các số điện thoại đường dây nóng trong toàn quốc để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc và báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, tháo gỡ kịp thời trong quá trình thực hiện.

PV

Các tin bài khác