Hành trình xây niềm tin phát triển kinh tế

21/08/2017
(VBSP News) Đã hơn một năm kể từ sự cố môi trường biển, những người dân tại các làng chài ven biển Quảng Bình đã bắt đầu nhận bồi thường lần thứ hai, nhưng cuộc sống và sinh kế dài hạn vẫn luôn là nỗi trăn trở của những con người đã quen với nghề “đi khơi về lộng”. Chưa kể ở dải đất hẹp miền Trung chưa mưa đã thấm, “sống trong cát, chết vùi trong cát như Quảng Bình”, thiếu đất nông nghiệp cũng là một thách thức trong chuyển đổi sinh kế. Cũng bởi vậy, việc hỗ trợ kịp thời của NHCSXH tỉnh Quảng Bình trở thành động lực giúp người dân ổn định cuộc sống, bám đất bám làng.

Người dân Bố Trạch đầu tư vươn khơi đánh bắt xa bờ

Người dân Bố Trạch đầu tư vươn khơi đánh bắt xa bờ

Như ở thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch này. Con đường làng với những ngôi nhà xây san sát, thiếu màu xanh của cây cối, vườn tược đủ thấy, đất đai nơi đây rất hữu hạn. Đất canh tác hầu như không có nên người dân nơi này chỉ có một con đường sinh nhai là vươn mình ra biển. Từ đời cha ông mưu sinh với những con thuyền thúng, nay các hộ dân trong làng đều đã có tàu gỗ nhưng cũng chỉ để đánh bắt hải sản gần bờ mà họ gọi là nghề “đi lộng”. Thế nhưng, sau sự cố môi trường biển (Formosa) và lũ lụt gây ra, chính quyền địa phương đã vận động những người chuyên đánh bắt gần bờ, tạm ngừng sản xuất một thời gian, để khắc phục hậu quả. Và để có thể mưu sinh, người dân phải chuyển đổi sinh kế bằng việc vươn khơi ra những vùng biển không bị ảnh hưởng.

Để có thể hỗ trợ được người dân vươn lên sau sự cố môi trường biển, NHCSXH đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm giúp người dân mua sắm ngư lưới cụ đánh bắt xa bờ hơn. Đến nay, đã có 57 hộ dân trong thôn vay vốn từ các chương trình của NHCSXH với dư nợ 1,9 tỷ đồng.

Chúng tôi tới thăm gia đình anh Hồ Sỹ Lương ở thôn Thượng Đức khi anh đang kiểm tra lại các vằng lưới chuẩn bị cho chuyến ra biển chiều tối. Một đời bám biển, dù nay biển không còn mang lại cuộc sống khấm khá như trước, nhưng hai vợ chồng anh vẫn chẳng thể rời bỏ. Chị Trần Thị Tám, vợ anh cho biết, cũng như bao cặp vợ chồng ở làng chài này, mỗi sớm mai chị vẫn chờ chồng đi biển về để mang cá, mang tôm ra chợ bán. Trước đây, khi chưa có sự cố môi trường biển, mỗi tháng thu nhập của gia đình cũng được 20 - 30 triệu đồng nhưng nay giảm đi chỉ còn 7 - 8 triệu đồng. Ít nhưng vẫn phải làm vì gia đình không có đất canh tác, chuyển nghề kinh doanh cũng không dễ, lại thiếu vốn. Vì vậy, số tiền 110 triệu đồng được đền bù cùng tiền vay NHCSXH giải quyết việc làm 30 triệu đồng, gia đình chị đầu tư thêm ngư lưới cụ, cải tạo con thuyền để vươn khơi, ổn định cuộc sống.

Những dòng vốn chính sách chảy đúng nhu cầu và địa chỉ cùng sự nỗ lực bền bỉ của các cán bộ NHCSXH kết nối cùng các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể đã đánh thức kinh tế nhiều miền quê Quảng Bình. Chủ tịch UBND xã Hải Trạch Nguyễn Duy Huy tự hào cho biết, đây là một trong hai xã đạt tiêu chí nông thôn mới của huyện vào năm 2014. Thu nhập bình quân xã khoảng 40 - 45 triệu đồng/người và với 2045 hộ dân, toàn xã  chỉ còn 52 hộ nghèo và 28 hộ cận nghèo.

Thế nhưng ít ai biết rằng, Hải Trạch đã từng là một xã nghèo của huyện Bố Trạch, nơi đất đai canh tác hữu hạn, người dân chủ yếu sống bằng nghề đi biển. Và chỉ khi dòng vốn NHXSXH hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế, mở rộng dịch vụ thương mại tổng hợp, dịch vụ nghề biển.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Duy Huy hài hước “4 năm trước chất lượng tín dụng của NHCSXH của xã đứng đầu từ dưới lên. Nhưng nay với dư nợ 14 tỷ đồng, 23 Tổ tiết kiệm và vay vốn, toàn xã không có một đồng nào nợ quá hạn”. Chất lượng tín dụng được tăng cường cũng là động lực để dòng vốn chính sách phát huy công năng trong đời sống. Cuộc sống người dân dần khấm khá làm nền tảng tích lũy mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của xã hướng tới dịch vụ thương mại tổng hợp và xuất khẩu lao động. Toàn xã có 35 tàu đánh cá đánh bắt xa bờ, 160 tàu, thuyền đánh bắt gần bờ, gần 1.000 con em đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Đó là thế mạnh của xã để trở thành một trong những địa phương đứng đầu về phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Bố Trạch.

Để có thể phát huy hơn nữa hiệu quả của dòng vốn chính sách tại địa phương, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình cho biết, chi nhánh sẽ tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt là tích cực và chủ động tham mưu Hội đồng nhân dân, UBND cùng cấp tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Cùng với việc tập trung giải ngân nhanh kịp thời các chỉ tiêu vốn mới, Giám đốc Trần Văn Tài cũng như cán bộ đơn vị  mong muốn, tỉnh sẽ có nhiều các dự án, sinh kế dài hạn hơn nữa để nguồn vốn chính sách có thể lồng ghép giúp người dân rút ngắn thời gian lao động và đạt giá trị gia tăng cao hơn.

Bài và ảnh Minh Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác