Đồng vốn nhỏ tiếp động lực lớn
Thoát nghèo từ đồng vốn nhỏ
Đối với gia đình chị Phạm Thị Nường, thôn Cui, xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy được coi là “đổi đời” khi được tiếp cận với vốn ưu đãi. Cầm số tiền 50 triệu đồng được vay theo chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi, chị Nường không khỏi xúc động: “Đây là lần thứ hai gia đình tôi được vay vốn từ NHCSXH đầu tư nuôi trâu sinh sản. Nếu không có sự tiếp sức của NHCSXH không biết bao giờ gia đình tôi mới được như ngày hôm nay. Ngoài vay vốn chăn nuôi, gia đình tôi còn được vay chương trình NS&VSMT đầu tư xây dựng bể nước, công trình vệ sinh nâng cao chất lượng cuộc sống”. Với đức tính cần cù, chịu khó, chị Nường đã chăm sóc 2 con trâu phát triển, sinh sản đều mỗi năm. Đến nay, kinh tế gia đình dần ổn định, từng bước thoát nghèo…
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, Tỉnh ủy đã ban hành văn bản số 641 ngày 11/3/2015 về triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 45, ngày 22/4/2016 và giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH. Trên cơ sở đó, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác tín dụng chính sách xã hội phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. 100% cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện tốt kế hoạch, nhiệm vụ chính trị được giao, chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Hòa Bình Trương Thị Hằng Nga cho biết: Thời gian qua, mặc dù kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã quan tâm dành một phần ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và một số đối tượng chính sách xã hội. Đến 30/6/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên toàn tỉnh đạt trên 3.325 tỷ đồng, tăng hơn 1.457 tỷ đồng (tăng 78%) so với thời điểm 31/12/2014 (khi chưa có Chỉ thị số 40); bình quân mỗi năm tăng 291 tỷ đồng. Đến nay, 100% UBND các huyện, thành phố đều đã bố trí nguồn vốn từ ngân sách chuyển sang NHCSXH.
Nguồn lực tiếp sức cho hộ nghèo vươn lên
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, doanh số cho vay đạt trên 1.700 tỷ đồng với 229.194 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp trên 43.769 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 80.916 lao động có việc làm; 131 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hơn 30.829 lượt HSSV hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; đầu tư xây dựng 102.285 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trợ giúp 21.445 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố…
Thông qua việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tại khu vực nông thôn; khôi phục làng nghề truyền thống; khuyến khích phát triển các khu sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật và các vùng sản xuất nông nghiệp sạch; đồng thời, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trong từng giai đoạn: giai đoạn 2011 - 2015 giảm 16,05% so với điều tra ban đầu; đến giai đoạn 2016 - 2020, số hộ nghèo đa chiều là 2.075 hộ, chiếm 11,25%, hộ cận nghèo là 1.788 hộ, chiếm 9,69%.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi, trong thời gian tới tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và văn bản số 641 của Tỉnh ủy. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp thực hiện tốt vai trò trong quản lý, theo dõi, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại địa phương. Thường xuyên rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo các đối tượng này được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời…
Bài và ảnh Kim Huyên
Các tin bài khác
- » Vốn chính sách giúp người Khmer giảm nghèo nhanh
- » NHCSXH hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Quảng Trị 200 triệu đồng
- » Dự án của học sinh Việt giành ngôi Vô địch cuộc thi Khởi nghiệp trẻ quốc tế
- » Mừng vì được vay vốn thoát nghèo vượt Covid-19
- » Lộc Ninh phát huy hiệu quả chương trình tín dụng HSSV
- » Phú Thọ nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Vươn lên làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi
- » Thuận Nam thực hiện tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm
- » Động lực phát triển kinh tế vùng biên
- » Tập huấn ứng dụng giáo dục tài chính cho khách hàng