Phú Thọ nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

12/08/2020
(VBSP News) Kết quả nổi bật sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác tín dụng chính sách. Đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
NHCSXH tỉnh Phú Thọ thực hiện giải ngân tại các Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách

NHCSXH tỉnh Phú Thọ thực hiện giải ngân tại các Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách

Đến hết tháng 6/2020, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Phú Thọ đạt 4.389 tỷ đồng; tăng 195 tỷ đồng so với cuối năm 2019; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 61 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với cuối năm 2019.

Từ nguồn vốn đó, NHCSXH đã tăng thêm sức mạnh, chất lượng hoạt động. Các chính sách tín dụng của Chính phủ và NHCSXH được công khai ở tất cả hệ thống 277 Điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh. Các khâu bình xét vay vốn, kiểm tra giám sát sử dụng vốn vay và đôn đốc người vay vốn hoàn trả nợ, nộp lãi cũng được thực hiện dân chủ, minh bạch, đúng quy định ở mạng lưới 4.091 Tổ tiết kiệm và vay vốn khắp thôn xóm, cụm dân cư trong tỉnh.

Chỉ thị số 40-CT/TW được đưa vào thực tiễn cuộc sống còn làm chuyển biến tích cực từ ý thức đến hành động của các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo, làm giàu chính đáng; đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân giảm 2,5%/năm.

Huyện Tân Sơn chính thức được ẩn danh “đệ nhất nghèo” của tỉnh Phú Thọ và xóa tên trong danh sách 64 huyện nghèo 30a của cả nước. Trở lại huyện Tân Sơn những ngày này, chúng tôi cảm nhận miền sơn cước này đã thay da đổi thịt với những nương ngô, đồi chè xanh tươi hiện rõ sự ấm no cùng nhiều ngôi nhà khang trang, kiên cố thay thế những căn nhà tranh tre, xập xệ xưa kia.

Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Tùng khẳng định: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, huyện Tân Sơn đã tập trung toàn lực đến công tác tín dụng chính sách xã hội; đồng thời động viên, khích lệ các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia phong trào vay vốn, sử dụng vốn chính sách đúng mục đích, đạt hiệu quả. Đến nay, tổng nguồn vốn chính sách toàn huyện đạt gần 450 tỷ đồng, tăng 172 tỷ đồng so với đầu năm 2015. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, UBND huyện đã chuyển sang NHCSXH 1,4 tỷ đồng để cho các hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay thêm vốn chính sách đầu tư phát triển sản xuất, kinh tế khá giả.

Gia đình ông Trần Văn Đỉnh ở thôn Min 2, xã Mỹ Thuận là một trong số điển hình về sử dụng vốn chính sách thoát nghèo. Cách đây 4 năm, gia đình ông được vay 45 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo. Có vốn, gia đình ông đầu tư nuôi bò sinh sản và cải tạo chân ruộng trũng thành vườn cao trồng chè sạch. Sau 3 năm, cặp bò đã sinh ra 4 chú bê khỏe mạnh; nương chè 1ha cũng cho thu hái 3 - 4 lứa/năm. “Vui vì thoát cảnh nghèo túng, nhưng gia đình tôi vẫn mong muốn được vay vốn chính sách tiếp để đầu tư mở rộng cơ ngơi trồng trọt, chăn nuôi”, ông Đỉnh phấn khởi tâm sự.

Giống như ông Đình, gia đình chị Phùng Thị Vinh thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền ở xã Vĩnh Tân. Năm 2014, được địa phương giao cho 4ha đất đồi sử dụng nhưng chị loay hoay không biết trồng cây gì có hiệu quả. Chị Vinh đã mạnh dạn vay vốn chính sách để phát triển chăn nuôi, mua các giống cây keo, bồ đề trồng rừng sản xuất. Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết áp dụng KHKT vào trồng trọt, đến nay rừng keo và bồ đề của gia đình chị phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch. Nguồn thu nhập từ vườn rừng, chuồng trại giúp vợ chồng chị mua được cả máy xay xát, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình. Đầu năm 2019, chị còn được NHCSXH huyện cho vay vốn ưu đãi theo chương trình xóa nhà tạm bợ cùng sự giúp đỡ của bà con thôn xóm để gia đình xây dựng ngôi nhà 3 gian mái bằng rộng rãi, thoáng mát.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân Đinh Công Quý cho biết: “Xã thường xuyên mở các đợt kiểm tra, rà soát lại tỷ lệ hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, từng khu, từ đó lên phương án hỗ trợ. Không chỉ hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất, chính quyền xã còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, đồng thời tích cực tuyên truyền, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để bà con học tập”.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ Trương Việt Phương cho biết: Trước yêu cầu của thực tế cuộc sống và cuộc hành trình vì an sinh xã hội, đơn vị đã phát huy những kết quả đạt được, vận dụng các bài học kinh nghiệm quý báu, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40, tập trung huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã ban hành, khẩn trương triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Trong đó, chú trọng củng cố chất lượng hoạt động ủy thác của các hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên báo cáo, tham mưu cho các cơ quan Đảng, Nhà nước về tình hình thực hiện công tác tín dụng chính sách, đẩy mạnh khâu kiểm tra, giám sát thực hiện tuyên truyền về tín dụng chính sách… nhằm góp phần đắc lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Tổ Hùng Vương.

Bài và ảnh Đông Dư

Các tin bài khác