Vốn chính sách giúp người Khmer giảm nghèo nhanh
Ông Đồng Văn Lâm - Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Trà Vinh cho biết, thành tựu trên phản ánh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đã tham gia thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Trong đó, góp phần tích cực là NHCSXH tạo lập được nguồn vốn khá lớn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
18 năm qua, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Trà Vinh đạt gần 5.000 tỷ đồng với hơn 470 nghìn lượt hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh được tiếp cận thuận lợi 14 chương trình tín dụng chính sách. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, vượt qua khó khăn về thiên tai hạn hán, dịch bệnh Covid-19, NHCSXH ở 9 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh vẫn duy trì tốc độ giải ngân, chuyển tải 850 tỷ đồng đến các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn, giúp dân có điều kiện về đồng vốn để kịp thời SXKD, cải thiện cuộc sống.
Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, người Khmer trên miền quê duyên hải Trà Vinh xây dựng nhiều dự án, mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang; dự án xen canh hai vụ lúa, một vụ rau sạch tại xã Tập Sơn, huyện Trà Cú; mô hình nuôi tôm, cá kết hợp trồng lúa, trồng cây thực phẩm trên đất giồng cát với mức thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành.
Tiêu biểu có gia đình ông Kim Lai ở ấp Tập Sôm, huyện Trà Cú là một trong số gia đình dân tộc Khmer thoát nghèo nhờ vay vốn NHCSXH. Khởi nghiệp với 5 triệu đồng để nuôi bò sinh sản, sau 3 năm, ông Lai bán được hơn 40 triệu đồng. Đến năm 2018, ông được NHCSXH tạo điều kiện tiếp tục vay 50 triệu để mở rộng chăn nuôi, cải tạo rẫy trồng bắp nếp, chuồng trại, trừ chi phí mỗi năm đã cho gia đình thu khoảng 70 - 80 triệu đồng.
Cũng từ đồng vốn chính sách, cuộc sống gia đình người phụ nữ dân tộc Khmer Kim Thị Nga ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa giờ đây đã ổn định. May mắn đến với gia đình chị cách đây 5 năm khi được tiếp cận đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Cầu Ngang để nuôi bò sinh sản. Sau hơn 1 năm, bò đẻ bê, chị bán bê có lãi và trả nợ hết cho ngân hàng. Chị tiếp tục được vay 12 triệu đồng chương trình hộ DTTS đồng bằng sông Cửu Long theo quyết định 74. Được sự tư vấn của cán bộ khuyến nông huyện, chị Nga đầu tư mua cây giống trồng ớt. Nhờ chăm bón chu đáo vườn ớt cho thu hoạch, chị lãi được 40 triệu đồng. “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình làm ra được số tiền lớn đến vậy. Gia đình tôi còn được vay vốn ưu đãi xây dựng công trình làm nhà ở. Giờ gia đình tôi rất phấn khởi, có thêm động lực tiếp tục phát triển sản xuất, gửi tiết kiêm hàng tháng tại NHCSXH, trả được nợ cho ngân hàng đúng hạn”, chị Nga chia sẻ.
Thực tế, nguồn vốn chính sách ở Trà Vinh đã đến được đúng đối tượng, đồng thời phát huy hiệu quả rõ rệt bởi NHCSXH từ tỉnh đến huyện luôn bám sát sự chỉ đạo của NHCSXH TW, và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện linh hoạt công tác huy động nguồn vốn, quản lý điều hành tốt chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, thực hiện chặt chẽ công tác giám sát nguồn vốn…
Qua đó, đảm bảo hoàn thành kế hoạch tăng trưởng được giao; các chương trình tín dụng chính sách được giải ngân nhanh, kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, lồng ghép các nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án tại địa phương như: chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư và chuyển giao KHKT.
Lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm; đặc biệt tích cực tuyên truyền, khuyến khích hộ vay vốn nêu cao ý thức hoàn trả vốn, nộp lãi đúng quy định; chú trọng củng cố, kiện toàn, tập huấn nâng cao năng lực cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn và lựa chọn những tổ hoạt động khá để nhân rộng điển hình tiên tiến.
Cùng với đó, cán bộ tín dụng chính sách ở Trà Vinh đã luôn bám sát cơ sở, cùng cán bộ chính quyền cơ sở xem xét, thẩm định kỹ thuật, chính xác những trường hợp/hộ vay vốn gặp rủi ro do thiên tai dịch bệnh, để kịp đề nghị cấp có thẩm quyền cho áp dụng biện pháp xóa nợ, khoanh nợ, gia hạn nợ.
Nhờ vậy, tỷ lệ nợ quá hạn của tín dụng ưu đãi ở Trà Vinh đến nay còn có 0,42% giảm 3,6% so với năm 2015. Ý nghĩa sâu xa từ chất lượng tín dụng được nâng cao không chỉ thể hiện vào những con số kết quả mà còn góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp về quản lý, thực hiện công tác tín dụng chính sách; làm cho cán bộ nhân viên NHCSXH năng động, nêu cao trách nhiệm trong công tác hơn, nhất là làm thay đổi căn bản ý thức có vay có trả của đông đảo hộ nghèo.
Minh chứng ở xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú với hơn 2 nghìn hộ dân tộc Khmer được NHCSXH ưu tiên đầu tư vốn ưu đãi, lại hướng dẫn cặn kẽ thủ tục trả nợ nộp lãi, gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn nên nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn làm ăn phát đạt ngay tại quê hương.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang có tác dụng tích cực đối với việc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Trà Vinh theo định hướng của Đảng, Nhà nước
Phan Dư
Các tin bài khác
- » NHCSXH hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Quảng Trị 200 triệu đồng
- » Dự án của học sinh Việt giành ngôi Vô địch cuộc thi Khởi nghiệp trẻ quốc tế
- » Mừng vì được vay vốn thoát nghèo vượt Covid-19
- » Lộc Ninh phát huy hiệu quả chương trình tín dụng HSSV
- » Phú Thọ nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Vươn lên làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi
- » Thuận Nam thực hiện tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm
- » Động lực phát triển kinh tế vùng biên
- » Tập huấn ứng dụng giáo dục tài chính cho khách hàng
- » Phú Đô giảm nghèo nhờ nguồn vốn chính sách